Hà Nội là địa điểm đăng cai chính của Asian Games 18-2019. Với người làm chuyên môn và những nhà hoạch định, cơ sở vật chất đủ điều kiện và tiêu chuẩn châu Á thì mới xứng tầm là địa điểm tranh tài. Chúng ta vẫn đang chờ đợi những cơ sở hạ tầng sẵn có (tính từ SEA Games 22-2003) sẽ tiếp tục đưa vào phục vụ…
|
Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) là “sân khấu chính” khi Asian Games 18 tranh tài, với 2 công trình quan trọng là SVĐ Mỹ Đình và khu thể thao dưới nước cùng một số hạng mục phụ trợ.
Đã 10 năm đi qua kể từ khi 2 công trình hiện đại bậc nhất của Việt Nam (khi đó) được Nhà nước đầu tư xây dựng phục vụ SEA Games 22.
10 năm chưa phải quãng thời gian dài, công năng và hiệu quả sử dụng của SVĐ quốc gia Mỹ Đình cùng khu thể thao dưới nước vẫn nguyên vẹn ở nhiều giải quốc tế đã và sắp diễn ra.
Tuy nhiên, không thể nói rằng vẫn giữ hiện trạng như hiện tại là đưa vào phục vụ Asian Games được ngay (SVĐ Mỹ Đình từng bị sụt lún đường chạy điền kinh nhưng đã được sửa chữa và cải tạo theo đúng chuyên môn).
Tiêu chí chất lượng của Ủy ban Olympic châu Á (OCA) có những quy định khá ngặt nghèo. Vì vậy, để phục vụ Asian Games, cả 2 công trình trên cũng nằm trong nhóm hạng mục cần nâng cấp sửa chữa thêm.
Song hành với đó, ngành thể thao từng xây dựng cung điền kinh trong nhà tại Mỹ Đình. Mức đầu tư cả ngàn tỷ đồng, chỉ phục vụ duy nhất AIG 3, từ đó tới giờ cung điền kinh chưa một lần tổ chức thêm giải điền kinh trong nhà nào và đã xoay chuyển thành địa điểm thi đấu bóng bàn, cầu lông, tennis hoặc cho các đơn vị thuê làm nơi thi đấu, hội diễn thể thao phong trào.
Ngoài ra, còn nhiều cơ sở vật chất sẵn có mà Hà Nội dự kiến đưa vào tranh tài Asian Games 18 như nhà thi đấu Sóc Sơn, Cung thể thao Quần Ngựa, nhà thi đấu Gia Lâm, Trung tâm thể thao Hoài Đức. Với Cung thể thao Quần Ngựa, kể từ khi được xây dựng và khánh thành đúng SEA Games 22, nó chỉ thêm một lần nữa tổ chức Đại hội thể thao châu Á trong nhà 2009; còn lại rất ít giải đấu trong nước được diễn ra ở đây. Họa hoằn, một năm có đôi ba giải đấu được các bộ môn đưa về Cung thể thao Quần Ngựa (chủ yếu là TDDC).
Có lẽ, người thủ đô biết nhiều hơn tới Cung thể thao Quần Ngựa vài năm trở lại đây vì là địa điểm tổ chức Lễ hội bia hàng năm của công ty Bia Hà Nội. Hay nhà thi đấu Gia Lâm, việc tổ chức thi đấu hiện tại thường là giải phong trào của thể thao Hà Nội.
Đây là nhà thi đấu có mức đầu tư tới 47 tỷ đồng xây mới hồi SEA Games 22-2003 và được đầu tư thêm 15 tỷ đồng duy tu, sửa chữa năm 2009 phục vụ AIG3. Thế nhưng, công năng của nó gần như không hiệu quả về thể thao kể từ sau các đại hội trên. Lần gần nhất một giải quốc gia tổ chức cũng là năm 2011 (vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG) còn lại, đã có lúc ban quản lý cho người dân thuê trông giữ trẻ.
Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức cũng được tính tới do nằm giữa trung tâm thủ đô có thể thu hút đông đảo khán giả nhưng nơi đây chật và hẹp cả về khán đài lẫn khuôn viên xung quanh nên chắc chắn không phải điểm có thể phục vụ Asian Games.
Trong phiên giải trình của Chính phủ do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chủ trì hôm 18-3, phía Bộ Tài chính đã nêu con số để bảo dưỡng, cải tạo, mở rộng các công trình thể thao có sẵn tại tất cả các thành phố tham gia tổ chức rồi đưa vào phục vụ Asian Games 18 là 2.600 tỷ đồng.
Mọi chờ đợi vẫn nằm ở Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức Asian Games 18-2019 tại Việt Nam được Bộ VH-TT&DL soạn thảo rồi sau đó được công bố rộng rãi khi Chính phủ phê duyệt. Giờ đã bước sang năm 2014, thể thao Việt Nam chỉ còn 5 năm nữa chuẩn bị cho Asian Games 18, tưởng còn xa nhưng hóa ra đã gần ngay trước mắt...
NGUYỄN ĐÌNH