Phóng viên: Trong năm 2023 vừa qua, thể thao TPHCM đã đạt được những thành tựu gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Nam Nhân: Năm 2023, ngành thể thao TPHCM có được nhiều chuyển biến tích cực: vận động người dân tập luyện một môn thể thao (tỷ lệ người dân tập luyện thường xuyên đạt 35,62%, tăng so với năm 2022 là 35%); các giải đấu, sự kiện thể thao được tổ chức rộng khắp, nổi bật là các hoạt động ngoài trời nhằm quảng bá hình ảnh, con người TPHCM đến du khách quốc tế.
Với thể thao thành tích cao, TPHCM luôn giữ vững vị trí một trong 2 địa phương có nhiều đóng góp lực lượng huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) cho đội tuyển quốc gia thi đấu các giải quốc tế. Như ở SEA Games 32, đoàn thành phố đóng góp với 179 thành viên và đoạt 31 HCV, 24 HCB, 20 HCĐ (so với chỉ tiêu ban đầu 18 HCV). Tại Asiad 19, tiếp tục tham gia với 77 thành viên và giành 2 HCB, 4 HCĐ. Được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, các sở ban ngành, thể thao TPHCM đã hoàn thiện các thủ tục Đề án đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026.
Đâu là những khó khăn, thử thách mà thể thao TPHCM đang gặp phải?
TPHCM là một trong những trung tâm phát triển phong trào TDTT lớn của cả nước. Tuy nhiên, chúng ta đã gặp những khó khăn, thách thức không nhỏ: thiếu thốn cơ sở hạ tầng, thiếu nguồn lực tài chính và tài trợ, nguồn nhân lực phục vụ thể thao... Thể thao TPHCM có những môn giữ vững thế mạnh như: bóng đá nữ, đua thuyền, thể dục dụng cụ, Vovinam... và giữ vững thành tích xếp đầu tại giải vô địch quốc gia ở gần 15 môn. Tuy nhiên, một số môn từng là niềm tự hào, truyền thống của thành phố đã có dấu hiệu sụt giảm. Nhiều VĐV được các đơn vị khác quan tâm, chiêu mộ, đã khiến ngành thể thao TPHCM gặp không ít khó khăn để giữ chân tài năng của mình.
Vậy ngành thể thao TPHCM có hướng giải quyết như thế nào?
Để giữ chân tài năng, trước tiên chúng tôi phải tìm cách giải quyết bằng các chế độ chính sách và nguồn lực xã hội. Về cơ chế chính sách, mỗi năm đều thay đổi theo điều kiện kinh tế - xã hội, do đó các chế độ đặc thù cũng sẽ thay đổi. Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND của HĐND TPHCM về một số chính sách đặc thù đối với HLV, VĐV có hiệu lực, song vẫn cần có sự chung tay của các nguồn lực xã hội hóa.
Đề án phát triển thể thao đến năm 2035 đã được lãnh đạo TPHCM thông qua, chủ trương đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc 2026. Đây sẽ là tiền đề để đặt ra mốc thời gian giải quyết cơ bản thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và xây dựng lực lượng. Riêng đối với thể thao thành phố, chúng tôi đã đề ra kế hoạch tập trung đầu tư 6 môn trọng điểm đầu tư loại 1, 6 môn loại 2, 11 môn loại 3 và các môn còn lại. Đích đến cụ thể là hướng tới đấu trường Olympic, Asiad. Tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2026, thể thao TPHCM hy vọng sẽ trình làng diện mạo mới. Những môn đã xác định trọng điểm, các VĐV phải đạt được thành tích cao ở những nội dung có thi đấu chính thức ở cấp quốc tế.
Theo ông, nguồn đầu tư cho thể thao TPHCM ở thời điểm hiện tại đã tương xứng với xu thế phát triển chưa?
Thể thao thành tích cao là một quá trình chuẩn bị dài hơi, từ công tác định hướng, lập kế hoạch, đào tạo, huấn luyện và quan trọng nhất là các điều kiện đảm bảo phục vụ, gồm: cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí, nguồn nhân lực và các nguồn lực xã hội hóa. Vì vậy, thể thao TPHCM phát triển đồng bộ dựa trên các yếu tố trên, quan trọng là nguồn đầu tư kinh phí từ ngân sách và xã hội hóa.
Nhiều môn thể thao tập thể như bóng đá, bóng chuyền trước đây là điểm mạnh của thành phố, nhưng hiện nay đang chuyển sang thể thao chuyên nghiệp. Trong quá trình chuyển đổi, sự hỗ trợ xã hội đối với các môn này còn thiếu, đặc biệt là trong việc chuyển đổi cơ cấu hoàn toàn sang thể thao chuyên nghiệp thiếu định hướng từ đầu của ngành nên thành tích sụt giảm hẳn. Đó là bài học để chúng tôi có tham mưu định hướng khi các môn khác bắt đầu sang cơ chế chuyên nghiệp, đòi hỏi sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, tổ chức và đặc biệt là sự hỗ trợ dài hạn cho từng môn thể thao có sự phát triển bền vững.
Những mục tiêu mà ngành thể thao TPHCM chú trọng thực hiện trong năm 2024 là gì?
Năm 2024 là năm bản lề để chuẩn bị tăng tốc trong thực hiện nghị quyết Đảng bộ thành phố về thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ. Trong quá trình triển khai thực hiện đề án phát triển TDTT đến năm 2035, ngành thể thao TPHCM phải thông qua đề án đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc lần 10-2026. Từ đây, ngành thể thao TPHCM đặt ra những mục tiêu mới, hướng đến lộ trình một nền thể thao hiện đại, bền vững, định hướng đầu tư các môn thể thao trọng điểm, liên kết đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.