Thể thao TPHCM có tính được chuyện lớn?

Tại kỳ họp thứ 13 HĐND TPHCM khóa X sáng 6-12, UBND TPHCM đã có tờ trình ban hành danh mục dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó có 6 dự án y tế, 12 dự án giáo dục và 23 dự án thể thao - văn hóa.

Ở lĩnh vực văn hóa - thể thao, UBND TPHCM đề xuất xây dựng mới học viện bóng đá và cụm 6 sân tập bóng đá ngoài trời với 1.000 tỷ đồng; Xây dựng mới sân vận động chính có bố trí đường chạy điền kinh ở TP Thủ Đức với 7.000 tỷ đồng; Xây dựng mới nhà thi đấu quần vợt và cụm sân quần vợt ngoài trời 1.000 tỷ đồng; Xây dựng mới cụm hồ bơi thi đấu và tập luyện với 1.000 tỷ đồng; Xây dựng mới nhà đua xe đạp lòng chảo tích hợp đường đua mô tô kết hợp sân bóng đá ngoài trời với 4.000 tỷ đồng; Xây dựng mới nhà thi đấu thể dục thể thao tổng hợp với 3.000 tỷ đồng; Xây dựng mới sân thi đấu các bộ môn điền kinh với 1.500 tỷ đồng.

khu-lien-hiep-tdtt-rach-chiec-6098-7442.jpg
Phối cảnh Khu Liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc. Ảnh minh họa

Nhìn những hạng mục nói trên, chúng ta cũng dễ hình dung đó là một khu liên hợp thể thao, mơ ước bấy lâu nay của ngành thể thao thành phố. Không cứ phải có một khu liên hợp thể thao hoành tráng thì mới có một nền thể thao mạnh. Nhưng chắc chắn, một nền thể thao đẳng cấp châu Á thì không thể thiếu những cơ sở vật chất quy mô. Không phải bây giờ, mà 20 năm qua, thể thao TPHCM đã “khát” những công trình như vậy kể từ sau Nhà thi đấu Phú Thọ được xây dựng phục vụ cho SEA Games 22 - năm 2003.

Với cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98, việc hàng loạt dự án lớn cho thể thao được đề xuất mời gọi hợp tác đầu tư được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn cho thể thao thành phố. Tuy nhiên, cũng thực tế rằng, có cơ chế, có dự án chỉ là điều kiện cần, quan trọng vẫn là điều kiện đủ: Có nhà đầu tư. Thực tế tại Việt Nam, tư nhân đầu tư vào lĩnh vực thể thao hiện chỉ mới dừng lại ở mức độ tài trợ, tiếp thị ngắn hạn. Về cơ bản, có “mở cửa” đầu tư như thế nào thì quan trọng vẫn là khâu vận hành, khai thác kinh doanh.

Thế nên để tìm nhà đầu tư đam mê thể thao, chấp nhận bỏ vốn dài hạn trong khi nguồn thu từ thể thao quá thấp là chuyện chẳng dễ dàng vì số lượng rất ít. Nghĩa là ngành thể thao phải cực kỳ năng động, có những chiến lược dài hạn, minh bạch và cam kết hỗ trợ quyết liệt thì mới hy vọng thuyết phục được doanh nghiệp bỏ tiền xây dựng sân bóng, nhà thi đấu.

Điều này cũng tương tự như muốn doanh nghiệp “nhận” một đội bóng, cơ quan quản lý phải bảo đảm được khâu đào tạo, quyền lợi quảng cáo, chứ để doanh nghiệp “tự bơi”, e rằng chỉ vài năm là bỏ cuộc. Trong khi đó, với hoạt động đầu tư cho cơ sở vật chất, những gì mà doanh nghiệp nhận được có khi mất vài chục năm mới đủ, nên không yêu thể thao, không được hỗ trợ mạnh mẽ, thì khó có ai hào hứng.

Tin cùng chuyên mục