Tính đến thời điểm này, thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam đã có 2 suất dự Olympic 2012 thuộc về Phạm Phước Hưng và Phan Thị Hà Thanh. Đây cũng là hai gương mặt sáng giá nhất của TDDC Việt Nam hiện tại. Olympic sẽ khai mạc và câu hỏi đặt ra lúc này là TDDC Việt Nam hy vọng vào kỳ tích gì tại nước Anh mùa hè này?
Nếu như hành trình đến London của Hà Thanh gắn liền với chiến tích đoạt HCĐ giải vô địch thế giới thì Phước Hưng khá trầy trật ở vòng loại. Trước khi Hà Thanh tham dự giải VĐTG, mục tiêu của TDDC Việt Nam chỉ là cọ xát, trau dồi phong độ chuẩn bị cho đích chính là SEA Games 26. Rất ít người tin vào khả năng giành huy chương nhưng với phong độ tuyệt vời cô gái người Hải Phòng đã thể hiện hơn cả mong đợi và lấy luôn vé dự Olympic London 2012 theo quy định của Liên đoàn TDDC thế giới. Chiếc HCĐ của Thanh vì thế được xem là kỳ tích với TDDC Việt Nam. Còn với Phước Hưng, tại vòng loại tuyển chọn tại Anh, Hưng thi đấu không thành công ở cả 6 nội dung đơn và không còn hy vọng đến Olympic. Phút chót, nhờ thành tích ở nội dung toàn năng nam, Liên đoàn Thể dục thế giới đã “vớt” Hưng, bởi theo quy định ban tổ chức sẽ chọn ra 27 suất dự Olympic với 23 VĐV có thành tích tốt nhất và 4 VĐV của đội đứng hạng 5-8 nội dung đồng đội. Cuối cùng, Hưng đã được trao vé do đứng 26/27 VĐV. Cũng ở giải này, được hy vọng rất nhiều nhưng “Búp bê” Đỗ Thị Ngân Thương đã không thể tiếp bước hai đồng đội trên.
Năm 2011 chứng kiến thành công vượt bậc và sự tiến bộ thần kỳ của TDDC Việt Nam. Tính từ SEA Games 1997 tại Jakarta, TDDC Việt Nam chỉ đặt chỉ tiêu 1 HCV thì đến đại hội tại Indonesia vừa qua, Việt Nam đã thâu tóm 11/14 HCV, trong đó nổi bật là HCV đồng đội nam mà Phước Hưng góp công không nhỏ. Với Hà Thanh, ngoài HCĐ quý giá cùng suất dự Olympic, năm 2011 cô gái Hải Phòng cũng mang về 3 HCV SEA Games và HCV cúp Toyota tại Nhật Bản. Năm 2008, Hà Thanh cũng từng có HCB tại Cúp thế giới tại Nhật Bản. Sự tiến bộ vượt bậc của TDDC Việt Nam trong những năm qua đã làm thay đổi khá nhiều hình ảnh bộ môn này, Việt Nam trở thành một cường quốc ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, để tiếp cận với trình độ khu vực vẫn còn khoảng cách khá xa chứ chưa nói đến tầm thế giới hay Olympic. HLV đội tuyển TDDC nữ Đỗ Thùy Giang nhận định: “Khoảng cách từ Đông Nam Á đến sân chơi thế giới và Olympic với TDDC Việt Nam khá xa. Hà Thanh trong thời gian vừa qua thể hiện khả năng rất tốt và chiếc HCĐ thế giới đã nói lên điều đó. Tuy nhiên không thể “bắc cầu” thứ hạng ở giải đấu này sang Olympic vì sự khác nhau về thời điểm và Olympic là nơi đã có sự sàng lọc kỹ càng vì thế các đối thủ của Thanh đều có khả năng”.
Mục tiêu của Hà Thanh tại Olympic là cố gắng thi đấu thật tốt để lọt vào tốp 8 đơn môn nhảy ngựa. Còn với Phước Hưng, nội dung toàn năng là sở trường của VĐV này nhưng đây cũng là nội dung toàn “thứ dữ” của các cường quốc TDDC thế giới. Vì vậy, có thể thấy mục tiêu của TDDC Việt Nam tại Olympic 2012 là học hỏi kinh nghiệm và thể hiện sự tiến bộ vượt bậc trong những năm qua. Tuy nhiên, với những gì đã có được, vẫn tin rằng TDDC Việt Nam có thể tạo được một kỳ tích nào đó.
Anh Khoa