“Thay máu” ở Chelsea: Quá khó!

Chelsea không thể giữ mãi công thức thi đấu “kiểu Mourinho”. Nhưng để bước hẳn sang một thời kỳ mới thì Chelsea lại chưa có được những con người mới, với bản lĩnh và trình độ ít ra cũng phải tương đương lớp trước. Đây là có tính cả Villas-Boas trong đó...
“Thay máu” ở Chelsea: Quá khó!

Chelsea không thể giữ mãi công thức thi đấu “kiểu Mourinho”. Nhưng để bước hẳn sang một thời kỳ mới thì Chelsea lại chưa có được những con người mới, với bản lĩnh và trình độ ít ra cũng phải tương đương lớp trước. Đây là có tính cả Villas-Boas trong đó...

1.
Những dự án và dự án mà HLV Andre Villas-Boas đã nhắc đến quá nhiều lần trong một tuần qua là gì? Chuyển Chelsea sang một thế hệ khác, mang một hình hài khác hẳn “đội hình Mourinho”. Trên một khía cạnh nào đó, đây là mục tiêu đúng đắn. Trong một chừng mực nào đó, Villas-Boas đã xắn tay vào làm. Có thể vị HLV trẻ tuổi này làm chưa thật khéo léo, khiến cho không ít cây đa cây đề trong đội tự ái, nhưng ít ra thì ông ta cũng đã làm.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất ở đây là thế hệ Chelsea mà Villas-Boas hướng tới lại chưa đủ sức thuyết phục. Ít ra là chưa thể so với đội hình đã 2 lần liên tiếp vô địch Premier League vào năm 2005-2006 và đã vào đến trận chung kết Champions League năm 2008. Theo nhật báo Independent (Anh), từ mùa hè 2006 đến nay đã có không dưới 339,5 triệu bảng Anh được chi ra để mua sắm cầu thủ. Trừ đi 134,4 triệu thu về từ việc bán lại một loạt cầu thủ trong số đó, Chelsea cũng còn tốn tới 204,1 triệu.

Để được gì? Chất lượng đội hình không được cải thiện, thậm chí không giữ được mức cũ mà còn sa sút dần dần. Lý do: thành phần nòng cốt của đội hình vô địch Premier League năm 2006 đã trở nên già nua hoặc đã chia tay mà không có người thay thế xứng tầm.

Kết thúc trận thua 1-3 trên sân Napoli, gương mặt Lampard như sắp khóc.

Kết thúc trận thua 1-3 trên sân Napoli, gương mặt Lampard như sắp khóc.

2. Không cần phải so sánh thật kỹ cũng có thể thấy như vậy. Ở mùa bóng 2005-2006, để phòng ngự, Mourinho có trong tay bộ tứ Paulo Ferreira, Ricardo Carvalho, John Terry và William Gallas, với Wayne Bridge dự phòng cho vị trí hậu vệ trái. Ở tuyến giữa, ông ta có Claude Makelele trấn giữ khu trung tâm, tạo điều kiện thoải mái để Lampard dâng lên, để Michael Essien làm công việc chuyển đổi nhanh từ phòng ngự sang tấn công và ngược lại. Ở 2 cánh, Mourinho có 2 mũi nhọn lợi hại Arjen Robben - Damien Duff. Ở vị trí trung phong, Mourinho sử dụng Drogba, lúc ấy mới 25-26 tuổi.

Không dừng lại ở đó, Mourinho còn có Hernan Crespo và Gudjohnsen làm những tiền đạo dự phòng, có kỹ thuật và tính ngẫu hứng của tiền vệ Joe Cole làm quân bài chiến lược để thay đổi trận đấu. Nói chung, bây giờ nhìn lại mới thấy đó là một đội ngũ rất khó thay thế đối với bất kỳ CLB nào. Không tinh thông, không chu đáo thì sự thay máu dễ tạo ra một cái gì đó... hổ lốn. Tai hại thay, hình như đó lại là những gì Chelsea đang làm.

Raul Meireles rõ ràng không thể sánh với Makelele được rồi! Ramires cũng không so được với Lampard thời đỉnh cao, dù cầu thủ Brazil này có trình độ kỹ thuật tuyệt diệu. Tương tự, Malouda không so được với Essien thời kỳ hay nhất - và ngay chính Essien cũng chẳng còn là chính mình nữa. Sáu năm cộng với một ca chấn thương đầu gối nghiêm trọng đã cướp mất một phần sức bền, sức rướn và độ lợi hại ở Essien.

Đó là chưa kể đến Fernando Torres. Có giá tuyển mộ tới 50 triệu bảng Anh, thế mà vẫn chẳng ai buồn nhắc đến Torres (ngồi ghế dự bị) ở trận thua tệ hại 1-3 trên sân Napoli vừa rồi. Như vậy là quá đủ để thấy người ta đã chán ngán Torres đến thế nào!

3.
Nói cho công bằng, không phải ban lãnh đạo Chelsea không thật tâm xây dựng cho tương lai. Torres chính là một ví dụ. Ở độ tuổi 27-28 như vậy, nếu đừng thi đấu bằng một phong độ thất vọng như vậy thì Torres sẽ cống hiến tốt ít nhất vài năm. Hoặc như Juan Mata. Trẻ hơn Torres, hòa nhập mau hơn hẳn Torres, anh ta hoàn toàn có khả năng trở thành một nhạc trưởng giống như David Silva ở Man.City. Bên cạnh đó, những đóng góp nhiệt tình của tiền đạo trẻ Daniel Sturridge cũng đã cho thấy Chelsea chọn đúng người.

Những ví dụ khác: Việc đầu tư cho một viện đào tạo mới, việc trang bị hiện đại cho cơ sở tập luyện, việc bổ nhiệm Frank Arnesen (cũng đã đi rồi) làm phụ trách khâu tuyển mộ và đào luyện năng khiếu, việc chăm lo cho thương hiệu Chelsea trên toàn cầu... Tất cả đều là những việc làm đúng đắn và cần thiết để Chelsea bước hẳn sang thời kỳ mới - một thời kỳ lấy xây dựng để thành công thay cho “dùng tiền mua danh hiệu vô địch” như nhiều đối thủ đã dè bỉu những năm trước.

Vậy tại sao Villas-Boas vẫn chưa làm được trò trống gì? Như đã nêu trên, cái cốt vẫn là con người. Đội ngũ trong tay ông ta không gánh vác được sức nặng của quá khứ vinh quang - chỉ một vài tia sáng ít ỏi như Mata hay Sturridge thì làm được gì! Bên cạnh đó, ngay chính con người Villas-Boas cũng đã có lúc ngộ nhận. Và vấn đề của ông ta chính là ở chỗ này.

4.
Lúc mới đến Chelsea vào mùa hè năm ngoái, Villas-Boas đinh ninh là được thừa hưởng một lực lượng vẫn còn đủ khả năng so tài với những đối thủ sừng sỏ nhất châu Âu, chỉ cần thay đổi theo kiểu “điểm xuyết” chỗ này chỗ khác là được. Khi nhận ra rằng không phải như vậy, Villas-Boas chọn cách vội vã thay máu Chelsea, gạt số này ra, lấp số khác vào. Hệ quả là gì, ai nấy đều đã thấy chán chê rồi: Sự bất mãn, thậm chí chống đối ở những công thần cũ. Cùng lúc đó là tình trạng áp lực-trì trệ hoặc chủ quan-sai sót, thậm chí có trường hợp mất phương hướng ở những “cục cưng” mới.

Hai nỗi thất vọng ấy gộp lại thành những kết quả thi đấu nghèo nàn chưa từng thấy ở Champions League, ở Cúp Liên đoàn và đặc biệt là Premier League. Trong kỷ nguyên của Abramovich, chưa bao giờ Chelsea kém như bây giờ nếu nói về thành tích Premier League và phong độ Champions League. Sẽ còn kém dài dài, bởi Villas-Boas còn lâu mới sáng chế ra được một công thức thi đấu hay hơn công thức cũ của Mourinho... 

Hưng Nguyên

Tin cùng chuyên mục