Thách thức mới

1. Sau tết, dù chưa ấn định thời gian nhưng cựu chủ công đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia là Phạm Thị Yến sẽ lên đường đi Nhật Bản “du học”. Chuyến “du học” của Phạm Thị Yến đúng nghĩa đen tức là cô đi học tập tại nước bạn để tích lũy kinh nghiệm và chuyên môn chuẩn bị cho sự nghiệp làm HLV. Trước đó, Phạm Thị Yến đã được lãnh đạo đội bóng Thông tin LVPB trao vị trí HLV phó kiêm cầu thủ. Gặp cựu chủ công này trước tết, cô cho biết mọi kế hoạch đi Nhật Bản vẫn đang trong sự chuẩn bị và bản thân mình sẽ nỗ lực khi ở nước bạn.

Cựu chủ công Phạm Thị Yến sẽ lên đường đi Nhật Bản “du học”.

Tính trong các VĐV cùng lứa với Phạm Thị Yến (cả nam, nữ), chưa ai được tu nghiệp ở nước ngoài để học hỏi làm HLV. Đây là bước đột phá đáng kể. Tất nhiên, nói đi cũng phải nói lại, VĐV được trong môi trường có thuận lợi cả về chuyên môn lẫn tài chính thì cơ hội đến nhiều hơn. Rất nhiều VĐV sau khi giải nghệ (không chỉ môn bóng chuyền) thì phải mưu sinh bằng công việc khác chứ không liên quan tới thể thao. Phạm Thị Yến là một trong những điển hình ở việc CLB biết tính tới chiến lược lâu dài để đào tạo lứa HLV trẻ đủ trình độ kế cận những lớp HLV lớn tuổi sau khi nghỉ hưu.

Phạm Thị Yến (giữa) khi còn khoác áo Thông tin LVPB.

Một số cựu binh của bóng chuyền thuộc lứa VĐV như Phạm Thị Yến có phụ công Kim Huệ, chủ công Bùi Huệ, chuyền 2 Hà Thị Hoa... đã và đang dần chuyển sang công tác đào tạo VĐV trẻ ở đơn vị chủ quản. Tất cả họ đều mong muốn một ngày được ra nước ngoài tiếp thu thêm sự phát triển ở thể thao nước bạn. Điều ấy thành sự thật hay không lại do đơn vị chủ quản quyết định.

Được ra nước ngoài “du học”, điều này vừa là tự hào của Phạm Thị Yến nhưng có trách nhiệm nặng nề. Cô vẫn đang là một quân nhân nên phải đảm bảo được tính kỷ luật cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập do đơn vị giao phó. Trong một tương không xa, trong năng lực được ghi nhận, sẽ không bất ngờ nếu ngày nào đó báo, đài đưa thông tin rằng Phạm Thị Yến là HLV trưởng của một đội bóng chuyền nữ.

2. Kình ngư Hoàng Quý Phước sẽ lên đường “du học” ở Hungary tới đây. Tất cả thủ tục cho Quý Phước được Trung tâm huấn luyện TDTT Đà Nẵng hoàn tất và chờ ngày lên đường. Năm nay tiếp tục là năm nhiều nhiệm vụ cho Quý Phước vì mục tiêu hàng đầu là có được suất chính thức dự Olympic 2016. Chuyến khởi hành đi Hungary của Quý Phước (sắp tới) không còn là đợt xuất ngoại đầu tiên. Tuyển thủ này đã quen với những lần tập huấn ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Vì thế, theo Phó giám đốc Trung tâm TDTT Đà Nẵng - ông Nguyễn Đông Hải - từng cho biết thì tinh thần và tâm lý của Quý Phước đang lên rất cao nên sang tập huấn tại Hungary hoàn toàn không bỡ ngỡ.

Không có gì thay đổi, qua một thời gian tập huấn tại Hungary, Quý Phước sẽ trở về Việt Nam dự giải bơi vô địch Đông Nam Á 2016. Chúng ta là chủ nhà đồng thời giải này được Liên đoàn Bơi quốc tế (FINA) công nhận thành tích VĐV để xét chuẩn Olympic 2016. Lãnh đạo Tổng cục TDTT đầu năm mới 2016 cho biết tất cả không khí tết và dư âm với các đội tuyển đã không còn.

Bây giờ, HLV, VĐV bước vào tập luyện để thi đấu theo từng nhiệm vụ của từng môn khác nhau. Trong quãng thời gian tại Hungary, nếu Quý Phước cải thiện tốt hơn thành tích thì đó là điều đáng mừng cho thể thao Việt Nam nói chung và môn bơi nói riêng.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục