Thể thao Afganistan đối mặt với hiểm nguy, bất chấp Taliban đăng đàn truyền thông, tuyên bố rằng họ đã và đang có nhiều thay đổi. Nhưng việc xoay chuyển quan điểm chính trị - tầm nhìn tôn giáo - và cách diễn giải luật lệ Sharia hà khắc, chắc chắn không thể diễn ra trong một sớm một chiều, dù đã trải qua 20 năm so với lần đầu tiên Taliban nắm quyền ở đất nước Trung Á. Những sân đấu, SVĐ được sử dụng làm pháp trường hành quyết là thứ vẫn ám ảnh giới thể thao.
Đội tuyển cricket Afganistan là đối tượng đang cảm thấy lo lắng đầu tiên. Họ sắp có chuyến du đấu Sri Lanka, nơi họ lại có cơ hội đối đầu với “địch thủ truyền kiếp”, và cũng là “gã hàng xóm đáng ghét” - tuyển cricket Pakistan. Tuyển cricket Afganistan dự kiến sẽ chơi 3 trận ở SVĐ Mahinda Rajapaksa (vốn có sức chứa 34.300 chỗ ngồi, từng tổ chức World Cup cricket hồi năm 2011) bắt đầu từ ngày 1-9 tới đây.
Nhưng giờ đây, không còn ai dám chắc về lịch trình này nữa. Cricket là môn thể thao số 1 của Afganistan dưới thời Tổng thống Ghani, nhưng Taliban là Taliban. Họ chẳng quan tâm đến môn cricket, cũng như chẳng hề quan tâm đến bóng đá, môn thể thao Vua trên toàn thế giới. Một quan chức cricket giấu tên cho biết với AFP về tình hình của các VĐV tuyển cricket Afganistan: “Các nỗ lực kiểm tra họ hiện ở đâu đang được thực hiện”.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Liên đoàn cricket Afganistan (ACB) - ông Hamid Shinwari - mạnh mẽ khẳng định với Indian Express: “Chúng tôi sẽ vẫn bay đến Sri Lanka để chuẩn bị cho Tour đấu của mình. Tình hình nói chung (ở Afganistan) vẫn là tuyệt vời. Nó giống như là, cần có 2 ngày để thay đổi chế độ và khi đó thì mọi người đều sợ hãi, nhưng giờ đây, giao thông của chúng tôi đã trở lại bình thường cho người dân và các hoạt động chính thức khác. Rất có thể, tất cả các văn phòng sẽ mở cửa trở lại kể từ ngày mai”.
Lạc quan của ông Hamid rất đáng được ghi nhận, nhưng không thể phủ nhận, sự lo lắng đang bao trùm lên giới thể thao, giới VĐV của Afganistan. Các ngôi sao cricket của đất nước này, các anh Mohamed Nabi và Rashid Khan, đều đã lên tiếng kêu gọi hòa bình tránh đổ máu. Lời kêu gọi của “những người con xa xứ” (cả 2 đều đang ở nước ngoài: Rashid hiện đang chơi cho đội Hundred ở Anh, trong khi Nabi đang ở Dubai), lại không nhắm về phía Taliban, có lẽ do biết là “vô ích”, mà hướng về các lãnh đạo, chính trị gia tên tuổi trên thế giới.
Trong khi đó, Rashid cũng chia sẻ trên Twitter rằng: “Những nhà lãnh đạo thế giới thân mến! Đất nước của tôi đang ngập trong Hỗn mang, hàng ngàn người dân vô tội, có cả trẻ em và phụ nữ, đang bị tử vì đạo hàng ngày, nhà cửa, tài sản bị phá hủy. Hàng ngàn người dân phải di đời. Đừng để chúng tôi chìm trong hỗn loạn. Hay ngừng giết chóc người Afganistan, ngừng hủy diệt đất nước Afganistan. Chúng tôi muốn hòa bình”.
So với các đồng nghiệp nam, các nữ VĐV cricket của Afganistan long đong và khổ sở hơn gấp trăm ngàn lần. Đội tuyển nữ, mãi đến năm 2010 mới được thành lập, nhưng đã nhanh chóng tan rã vào 4 năm sau và vẫn chưa được trải nghiệm trận đấu chính thức nào thuộc khuôn khổ của ICC. Trong nỗ lực tái khởi động lại môn cricket nữ, ACB ký hợp đồng với 25 nữ tuyển thủ vào tháng 11 năm ngoái. Trước đó, họ đã lập trại huấn luyện từ tháng 10, đào tạo và kiểm tra để lọc ra 25 người giỏi nhất từ nhóm 40 người trước đó.
Khi Taliban quay trở lại nắm quyền, có thể họ không mê thể thao, không mê cricket, nhưng vẫn tạo điều kiện phát triển để chứng tỏ thay đổi. Nhưng đó là cricket dành cho nam, còn cricket dành cho nữ, chắc là “mơ giữa ban ngày”. Chủ tịch Shinwari, vẫn giữ sự lạc quan tếu táo nhất: “Taliban yêu thích cricket. Họ đã ủng hộ chúng tôi ngay từ ban đầu (!?). Họ không can thiệp vào các hoạt động của chúng tôi. Có thể nói rằng, cricket đã phát triển mạnh mẽ dưới thời của Taliban. Có thực tế là rất nhiều VĐV của chúng tôi đang tập luyện tại Peshawar và họ vốn là lực lượng chủ yếu của chúng tôi ở Afganistan”.
Quan điểm của Shinwari, đương nhiên là của một người đàn ông và ở một môn thể thao khác. Quan điểm của một phụ nữ, trong môn bóng đá - cô Khalida Popal, cựu đội trưởng tuyển bóng đá nữ Afganistan, lại cực kỳ bi quan và đen tối. Cô đang phải đón nhận nhiều cuộc gọi, tin nhắn bi kịch từ những người đồng đội cũ, những đồng nghiệp ở quê nhà: “Họ đang đi trốn. Phần lớn bỏ chạy đến nhà họ hàng trú ngụ vì hàng xóm biết họ là các cầu thủ. Họ đang ngồi đó và sợ hãi. Taliban hiện diện khắp cả mọi nơi. Bọn chúng đi quanh, gây ra sợ hãi”.
Tình hình hiện tại ở Afganistan đã khiến cho giấc mơ của Zakia Khudadado tan vỡ. Số phận tưởng như định đoạt cô là người phụ nữ đầu tiên đại diện cho thể thao Afganistan ở Paralympic Games tại Tokyo. Nhưng giờ “nó” đã nghĩ lại. Không còn chuyến bay thương mại nào đến Nhật, giấc mơ Paralympic đã bay theo khói súng mất rồi.