Khi Taliban đánh bại hoàn toàn các thế lực quân sự cát cứ để cai trị Afganistan lần đầu tiên, trong giai đoạn từ năm 1996-2001, họ đã cấm triệt để bóng đá, bên cạnh các sự kiện văn hóa - giải trí khác.
Tuy vậy, thực chất thì, bóng đá vốn đã bị hủy hoại từ trước, bởi cuộc nội chiến đẫm máu, suốt từ năm 1984 cho đến khi chính quyền thân Liên Xô sụp đổ. Không có một trận bóng đá chính thức nào được tổ chức trong khoảng thời gian này. Bóng đá, chỉ thật sự sống dậy, sau khi chế độ Taliban tan rã năm 2001, với sự xuất hiện của Đội tuyển quốc gia Afganistan.
Ở Asian Games 2002 (tổ chức tại Busan - Hàn Quốc), bóng đá Afganistan bắt đầu quá trình “hội nhập” đầu tiên, kể từ… Vòng loại của Asian Cup 1984. Với sự hỗ trợ tài chính từ FIFA, ĐTQG của Afganistan đã đến Á vận hội tại Hàn Quốc và trải qua 3 trận vòng bảng toàn thua, thậm chí còn không ghi được 1 bàn thắng danh dự nào: Thua Iran 0-10, thua Qatar 0-11 và thua Lebanon 0-11.
Kết thúc thi đấu, tuyển Afganistan xếp cuối cùng trong bảng thành tích môn bóng đá nam tại Asian Games 2002 trong số 24 đội tranh tài (ở giải đấu năm đó, tuyển Việt Nam xếp hạng 19 với chỉ 1 điểm sau 3 trận).
Kể từ đó, bóng đá Afganistan đã bắt đầu tham gia các sự kiện - giải đấu quốc tế thường xuyên hơn. Cụ thể là Giải Vô địch Nam Á - Gold Cup 2003 (được AFC đặc cách giới thiệu dù họ chưa đủ tiêu chuẩn tham dự), cũng với 3 trận toàn thua và không ghi được bàn nào ở vòng đấu bảng: Thua Sri Lanka 0-1, thua Ấn Độ 0-4 và thua Pakistan 0-1; Vòng đấu loại Asian Cup 2004, với trận thắng “lịch sử” trước tuyển Kyrgystan 2-1 (Tahir Shah và Farid Azami ghi bàn).
Rồi ở Vòng loại World Cup 2006, họ tham dự qua trận thua tuyển Turkmenistan với tổng tỷ số 0-13 sau 2 lượt trận đi và về. Ở Giải Vô địch Nam Á 2011, họ cũng có trận thắng kỷ lục (trong lịch sử phát triển đội tuyển) có tỷ số là 8-1 trước Buhtan.
Giải Ngoại hạng của Afganistan - Afgan Premier League, cũng được thành lập lần đầu tiên vào năm 2012, với sự tham gia của 8 đội bóng. Các đội bóng đã thi đấu trong giai đoạn tháng 9 và tháng 10 của mùa giải năm đó.
Các cầu thủ, được lựa chọn thông qua Chương trình truyền hình thực tế có tên “Maidan a Sabz” (“Green Field” - sân cỏ xanh) do Tập đoàn MOBY Group tổ chức, để đầu quân vào các đội bóng tham dự giải. Sự xuất hiện của APL, được Hội đồng Hòa bình cấp cao của Afganistan ca ngợi và tán dương, vì “Đó là cơ hội mang đến hòa bình và ổn định cho đất nước Afganistan”.
Năm 2013, ĐTQG Afganistan đạt được thành công lớn nhất trong lịch sử. Tham dự Giải Vô địch Nam Á lần thứ 10, tuyển Afganistan (khi đó vừa có thứ hạng cao nhất trong lịch sử xếp hạng của FIFA) thi đấu tưng bừng: Thắng Buhtan 3-0, thắng Sri Lanka 3-1 và hòa Maldives 0-0 ở vòng đấu bảng; thắng Nepal 1-0 nhờ bàn thắng duy nhất của Sandjar Ahmadi (cầu thủ sinh ra tại Kabul nhưng lớn lên tại Hamburg) ở trận bán kết và cuối cùng thắng Ấn Độ 2-0 trong trận chung kết mang tính lịch sử (Ahmadi ghi 1 bàn, bàn còn lại do công của Mustafa Azadzoy - đang chơi cho Khon Kaen United ở Thai League).
Với chiến thắng oanh liệt này, ĐTQG Afganistan và Liên đoàn bóng đá nước này đã nhận được phần thưởng FIFA Fair Play Awrad 2014. Đó là một vinh dự lớn lao với một nền bóng đá vẫn còn rất đổ nát, hoang tàn.
Tiếp nối thành công, tuyển Afganishtan tiếp tục lọt đến trận chung kết ở Giải Vô địch Nam Á 2015. Lần này, đó là “cuộc càn quét tuyệt đối” ở các vòng đấu trước chung kết. Ở vòng đấu bảng, họ lần lượt thắng Bangladesh 4-0, thắng Buhtan 3-0 và thắng Maldives 4-1.
Ở bán kết, họ hủy diệt đội Sri Lanka với tỷ số 5-0. Tuy vậy, trong trận chung kết, Ấn Độ đã đánh bại Afganistan để “thắng báo thù” với tỷ số 2-1. Afganistan xếp ở vị trí Á quân… Thật sự, đó vẫn là một thành tích đáng chú ý.
Gần đây nhất, ở Vòng loại thứ 2 - Khu vực châu Á, thuộc Vòng loại World Cup 2022, đội tuyển Afganistan xếp áp chót bảng E với 6 điểm sau 8 trận đấu, trong đó có trận thắng đáng chú ý trước tuyển Bangladesh với tỷ số 1-0 (nhờ bàn thắng duy nhất của Farshad Noor, người đang thi đấu cho Hala SC ở giải Bahrain).
Nhìn chung, bóng đá Afganistan đã có nhiều tiến bộ trong suốt thời gian vừa qua, đơn cử là việc họ đã chơi ngang ngửa, có thắng - có thua trước “đối thủ truyền kiếp” và cũng là “người láng giềng đáng ghét” là đội tuyển Pakistan.
Về phía bóng đá nữ, năm 2007, Đội tuyển nữ Afganistan cũng đã đời vào năm 2007. Đội tuyển ban đầu được tập hợp bởi Khalida Popal, cô gái đã phải xin tị nạn ở Ấn Độ, Na Uy rồi Đan Mạch, hiện đang sống ở London nhưng vừa đăng đàn và bật khóc về tình trạng các cầu thủ nữ đồng hương trước viễn cảnh Taliban bắt đầu một đế chế đô hộ mới.
Tuy vậy, do sự phân biện đối xử nam - nữ, các cầu thủ nữ của tuyển Afganistan, ngay cả dưới “chế độ cũ”, cũng đã bị lạm dụng, quấy rối bởi các thành viên lãnh đạo của LĐBĐ, bao gồm cả Chủ tịch Keramuudin Karim, người bị FIFA cấm hoạt động bóng đá suốt đời và CAS chuẩn y quyết định.
Nhưng tất nhiên, với sự tái xuất hiện của Taliba, bóng đá nữ của Afganistan thậm chí đang đứng trước nguy cơ “tuyệt diệt”. Dù đại diện của Taliban, mới tuyên bố trên truyền thông gần đây: “Quyền của phụ nữ sẽ được bảo vệ. Họ có thể làm việc, học hành và hoạt động xã hội, nhưng phải tuân theo luật Sharia”, nhưng câu “chốt cuối cùng” rõ ràng là điểm then chốt.
Bóng đá vốn chỉ là trò giải trí phù phiếm, có là gì so với Luật Sharia được diễn giải và áp dụng theo phong cách của Taliban?
Dưới chế độ cai trị của Taliban lần đầu tiên, bóng đá bị cấm triệt để. Các sân đấu, các SVĐ được dọn dẹp để tạo thành... địa điểm xử phạt - hành quyết công cộng với các tội phạm (cả hình sự lẫn chính trị). Khi Mỹ và NATO hỗ trợ người dân Afganistan giành lại chính quyền, các sân đấu mới được đưa về lại công dụng bình thường. Một trận đấu từng được tổ chức giữa Kabul United và Lực lượng hỗ trợ An ninh quốc tế tại sân đấu có sức chữa 40 ngàn người, thu hút hơn... 40 ngàn người đến xem. Sức sống bóng đá đó, đang bị đe dọa! |