Trận HN T&T - SLNA vừa qua có đến 15.000 khán giả. Ai cũng biết, 3/4 trong số đó là CĐV của SLNA. Họ đã “nhuộm vàng” sân Hàng Đẫy và biến HN T&T từ chủ nhà thành đội khách ở trên khán đài.
Cổ động viên SLNA đã nhuộm vàng sân Hàng Đẫy. Ảnh: Quang Minh
Chưa tính số lượng người Nghệ An đi xem bóng đá tại Vinh, ở mỗi trận đấu của SLNA đá tại các địa phương khác có ít nhất 3.000 người mặc áo vàng mỗi trận. Như vậy, tính sơ sơ đội bóng xứ Nghệ cũng có 4-5 vạn CĐV khắp cả nước. Trong khi đó, trang fanpage liên quan đến CĐV xứ Nghệ hiện có số lượt thành viên cao nhất cũng đạt gần 200.000. Nếu nói rằng đội SLNA hiện đang có vài trăm ngàn CĐV trung thành có lẽ cũng không quá lời.
Mà không chỉ có SLNA, đội Thanh Hóa cũng không thua kém lực lượng CĐV toàn quốc, kế tiếp có thể kể đến Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Tháp, Khánh Hòa, những nơi có truyền thống bóng đá. Hiện lực lượng CĐV Quảng Ninh cũng đang tăng đều trên cả nước sau khi thành tích đội bóng vừa lên V-League 2 mùa qua đang dần tốt hơn.
Người hâm mộ thì vẫn luôn đông đảo nhưng các hội CĐV dường như vẫn đứng bên lề hoạt động của các CLB. Nếu gõ Google cụm từ “Hội CĐV Thanh Hóa” bạn sẽ thấy có gần chục kết quả và không thể xác định đâu mới là tổ chức chính thức. Vì không có “danh chính” nên hoạt động của các CĐV cũng không thống nhất, dẫn đến việc cổ động cho CLB cũng chỉ dừng ở mức đến sân xem bóng đá rồi về và các đội bóng hầu như cũng không thể khai thác được gì liên quan đến CĐV.
***
Ở trận HN T&T – SLNA vừa qua, lần đầu tiên việc truyền hình trực tiếp trận đấu được thực hiện chỉ trên internet do không có đài truyền hình nào phát sóng. Và đây cũng là lần đầu tiên một CLB tổ chức ghi hình và sản xuất với chất lượng khá ổn. Nếu chúng ta cộng thêm việc tổ chức sản xuất trên internet các chương trình phục vụ CĐV của đội Than Quảng Ninh thì có thể nói khả năng phục vụ người hâm mộ hoàn toàn nằm trong tầm tay của các đội bóng.
Thử nghĩ xem, có hơn 10.000 CĐV SLNA tại Hà Nội đến sân Hàng Đẫy xem trực tiếp thì nếu SLNA đá nơi khác, cũng sẽ có hàng chục ngàn người quan tâm theo dõi các trận đấu của họ trên sóng truyền hình hoặc mạng. Con số ấy có thể tăng thêm rất nhiều nếu CLB tổ chức đội ngũ truyền thông riêng để chủ động cập nhật thông tin, hình ảnh của đội bóng, qua đó có thể nghĩ đến việc thu hút nguồn tài trợ riêng cho hoạt đông ngoài thi đấu này, chưa kể việc bán các sản phẩm lưu niệm. Chỉ cần 1 CĐV bỏ ra 100.000 đồng/năm thì CLB có thể thu về vài tỷ đồng chỉ tính riêng hệ thống CĐV toàn quốc.
Rất tiếc, ai cũng thấy là nhiều đội bóng hiện nay có lực lượng người hâm mộ đông đảo, rộng khắp nhưng những hoạt động như truyền hình trực tiếp hay xây dựng kênh hình ảnh riêng của CLB đều khá hiếm. Tài sản lớn nhất của bóng đá chính là các CĐV, đã bị lãng phí như vậy đấy.
HỒ VIỆT