Sức sống của một giải đấu

1. Cùng với giải thưởng   Quả bóng vàng Việt Nam do Báo Sài Gòn Giải Phóng khởi xướng và tổ chức từ năm 1995 đến nay; giải bóng đá U.21 báo Thanh Niên ra đời từ năm 1997 và được duy trì thường xuyên. Đến năm 2007, có thêm giải U.21 quốc tế nối tiếp, đến nay cũng đã trở thành giải đấu được AFC công nhận chính thức.

Chỉ tính riêng trong làng cầu Đông Nam Á, không có quốc gia nào duy trì được hệ thống giải thưởng dành cho cá nhân và giải đấu trẻ cấp độ quốc tế dài hạn, có dấu ấn đậm nét trong đời sống bóng đá như Việt Nam. Đặc biệt hơn, các giải đó đều xuất phát từ nỗ lực của các đơn vị truyền thông không chuyên về thể thao nói chung hay bóng đá nói riêng.

2. Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam hay giải U.21 quốc tế ra đời đều xuất phát từ nhu cầu thực tế. Trước năm 1995, bóng đá Việt Nam từng có hiện tượng cầu thủ không muốn lên đội tuyển quốc gia để thi đấu vì ngoài nghĩa vụ, gần như chẳng được lợi ích gì. Đời sống cầu thủ khi đó rất thấp, hưởng lương như công nhân, mọi đóng góp đều được gộp chung vào thành tích tập thể, trong khi với bóng đá, đôi khi sự thành - bại lại nằm ở sự tỏa sáng của một cá nhân trong thời điểm quyết định. Chính bàn thắng vàng của Trần Minh Chiến trong trận bán kết SEA Games 18, đưa Việt Nam lần đầu tiên lọt vào chung kết, đã là nguồn cảm hứng để cố nhà báo Minh Hùng nẩy ra ý tưởng về một giải thưởng tôn vinh các cá nhân xuất sắc của bóng đá Việt Nam. Thật ra, những giải thưởng như Quả bóng vàng không phải là điều mới mẻ gì trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, việc vinh danh một cá nhân lại luôn gặp những rào cản về mặt quan điểm.

Cầu thủ trẻ rất cần nhiều giải đấu như U.21 quốc tế Báo Thanh Niên để được cọ xát, phát triển tài năng Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Với giải U.21 quốc tế cũng vậy. Trong khi đội tuyển U.23 quốc gia cứ 2 năm mới được tập trung một lần dự SEA Games, gần như không còn một giải đấu quốc tế nào cho các cầu thủ trẻ thể hiện tại năng. Các cầu thủ dự giải U.21 quốc gia suốt hơn 2 tuần lễ, những tài năng trẻ có khi không còn dịp được tỏa sáng nếu như họ không thuộc về các CLB đang đá ở giải chuyên nghiệp. Chính việc có mặt trong thành phần U.21 Việt Nam là cơ hội để họ lọt vào tầm ngắm của những tuyển trạch viên, thậm chí là cả HLV của đội tuyển U.23 quốc gia.

3. Thêm giải U.21 quốc tế đồng nghĩa là tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 lần ngân sách tổ chức, việc vận động tài trợ vất vả hơn nhưng đổi lại, bóng đá Việt Nam sẽ có thêm một sân chơi chất lượng cho bóng đá trẻ. Điều này thể hiện rõ qua số lượng khán giả đến sân xem U.21 quốc tế luôn đông đảo, đặc biệt là 2 năm qua khi có sự xuất hiện của dàn cầu thủ trẻ Hoàng Anh Gia Lai. Trận đấu giữa U.21 HA.GL và U.19 Hàn Quốc tối 20-11 đã khiến  sân vận động Thống Nhất - TPHCM sống lại những ngày tháng sôi động như đầu năm 2014 của giải U.19 quốc tế. Nói gì thì nói, việc được chứng kiến các tài năng bóng đá Việt so tài với các đội bóng hàng đầu châu lục là một nhu cầu rất lớn của người hâm mộ. Bản thân các cầu thủ trẻ cũng xứng đáng có được một đấu trường để họ thể hiện khát vọng.

Chính từ sức sống của giải U.21 quốc tế hay giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam đã chứng minh bóng đá Việt Nam không thiếu khán giả, không thiếu những nhà tài trợ sẵn sàng chung tay. Tuy nhiên, những thành công đó quá ít ỏi, đời sống của bóng đá Việt vẫn đang thiếu thốn các hoạt động tương tự khi mà những nhà quản lý vẫn cứ “đến hẹn lại lên” trong công tác tổ chức, điều hành các hoạt động trong năm, một phần nguyên nhân của sự trì trệ và thiếu sức hút về mặt xã hội của làng cầu nội địa.

Đăng Linh

Tin cùng chuyên mục