Các cầu thủ dính tiêu cực tại Ninh Bình và Đồng Nai cùng có chung một hình ảnh trước cơ quan pháp luật: đầu cuối gầm. Họ, phía sau hình ảnh một công dân phạm tội, còn là những cầu thủ tài năng của một làng cầu. Vì thế, khi chúng ta lên án họ như một kẻ tội phạm, cũng cần xem thử làng cầu này đã làm gì để ra nông nỗi ấy.
5 năm: 2 lên tuyển, 3 vào tù
Sự nghiệp một cầu thủ, thường tính theo chu kỳ 5 năm. Vào học bóng đá từ U13, thì sau 5 năm là hết giai đoạn đào tạo cơ bản. 5 năm kế tiếp (từ 18-23) là bắt đầu thành cầu thủ, sau đó là 5 năm trưởng thành và phát triển sự nghiệp.
Sau vụ án tiêu cực động trời tại SEA Games 2005, phải mất gần 5 năm thì bóng đá Việt Nam mới có một lứa cầu thủ mới được Calisto dẫn dắt vào chung kết SEA Games 2009. Nếu đúng chu kỳ, lứa cầu thủ ấy đang là nòng cốt của đội tuyển Việt Nam hiện thời như đã từng có ở chu kỳ SEA Games 2003 - AFF Cup 2008.
Nhưng theo thống kê của chúng tôi, 23 cầu thủ vào chung kết SEA Games 2009 đến nay, chỉ còn 2 người được ông Miura gọi vào đội tuyển thi đấu ở trận gặp Myanmar vừa qua đó là Phạm Thành Lương và Nguyễn Trọng Hoàng. Nhưng có đến 3 người là Nguyễn Thành Long Giang, Trần Mạnh Dũng và Chu Ngọc Anh đứng trước nguy cơ vào tù vì tiêu cực. Phần còn lại, hoặc “không chịu lớn”, hoặc cũng có dính líu vào vài vụ việc tồi tệ như trường hợp Mai Xuân Hợp bị giang hồ “xử” hồi năm 2011 hay Trần Đình Đồng bị treo giò suốt năm vì chơi xấu.
Có thể nói, thay vì phát triển tài năng ngay trong thời điểm “làm ăn” được nhất của bóng đá Việt thì chính làng cầu này đã làm “biến dạng” cả một tập thể.
Không gìn giữ được tài năng
Sau vụ tiêu cực 2005, đến chiến dịch SEA Games tồi tệ 2007, người ta hô hào làm lại và cũng có một thế hệ mới suýt nữa hoàn thành giấc mơ vàng SEA Games. Thế nhưng, sau 5 năm bóng đá Việt Nam lại tan hoang, rồi như một thói quen, người ta lại kêu gào phải “làm lại”.
Đương nhiên rồi, nhưng ‘làm lại” bằng cách gì, bằng cái gì thì chẳng ai chịu nói cho rõ. Suốt 5 năm qua, để một lứa cầu thủ hư hỏng từ nhân cách đến chuyên môn, chẳng thấy ai nói gì. Đào tạo ra tài năng đã khó, giữ gìn những viên ngọc ấy còn khó hơn nhiều. Cứ mỗi khi đội tuyển thất bại, VFF lại tập trung mọi nguồn lực cho đội U23 để “trẻ hóa” nhưng thực tế thì hiện nay, trong danh sách của ông Miura, chỉ có 4-5 cầu thủ từng dự SEA Games 2009, 2011. Điều này có nghĩa, từ “nói” đến ‘làm” của VFF là cả một khoảng cách khá xa. Thay vì được phát triển, chỉ trong vài ba năm ngắn ngủi, cầu thủ có nguy cơ chuyển sang chiều hướng xấu.
Trách nhiệm cá nhân của cầu thủ là một chuyện, nhưng năng lực của các nhà quản lý, điều hành lại là chuyện khác. Bóng đá Malaysia chấp nhận xóa sổ cả một thế hệ để tìm ra thế hệ khác, bóng đá Việt Nam cũng định sẽ “chấp nhận” nhưng vấn đề còn lại là họ sẽ xây dựng tương lai của làng cầu ra sao mới là điều quan trọng. Xin nhớ là chưa đầy 10 năm sau vụ việc tại SEA Games 2005, đến nay tình hình chỉ tồi tệ hơn mà thôi.
Hồ Việt