Muốn phát triển thể thao, ngoài cơ chế, còn cần nguồn lực kinh tế, trong đó vai trò xã hội hóa rất quan trọng. Bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội… ở nước ta hiện nay gặt hái được khá nhiều thành công nhờ vai trò không nhỏ của nguồn lực xã hội hóa.
Tuy nhiên, sử dụng nguồn lực này sao để phát huy được thế mạnh cũng không phải dễ. Thậm chí, nếu sai một nước có thể dẫn đến sự trì trệ nặng nề.
Câu chuyện nền bóng đá Trung Quốc đang được quan tâm nhiều trong thời gian qua cũng từ việc sử dụng tiền sao cho hiệu quả. Giải bóng đá nhà nghề Trung Quốc Chinese Super League (CSL) được ghi nhận là giải đấu trả lương cao nhất châu Á, nằm trong tốp 10 thế giới khi chỉ sau giải ngoại hạng Anh, Tây Ban Nha, Ý, Đức và Pháp.
Ở châu Á, giải J-league của Nhật Bản nằm trong tốp có chất lượng tốt nhất nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ của CSL tính về mức độ chi lương. J-league hầu như không có một ngôi sao thế giới nào đến thi đấu nhưng đội tuyển Nhật Bản luôn đứng đầu châu lục; đồng thời họ còn cung cấp không ít cầu thủ xuất sắc cho giải ngoại hạng Anh, Ý và nhất là Đức.
Giải K-league của Hàn Quốc được xem không thua kém J-league nhưng gần như không có bất cứ một ngôi sao nước ngoài nào làm trụ cột. Ngược lại, đã từng có những cái tên cầu thủ Hàn Quốc đã trở thành biểu tượng tại giải ngoại hạng Anh.
Trong khi đó, CSL hiện có mặt ít nhất 5 ngôi sao hàng đầu thế giới với mức lương cũng không ai sánh kịp. Con số thống kê cho thấy, trong 10 cầu thủ hưởng lương cao nhất thế giới thì có 3 đang chơi ở CSL. Đó là Hulk (Shanghai SIPG), Pelle (Shangdong Luneng) và Lavezzi (Hebei China Fortune). Những cầu thủ này có thu nhập chỉ sau Messi, Ronaldo, Gareth Bell mà thôi.
Thế nhưng, từ khi các ông bầu ở CSL vung tiền ra rước các ngôi sao về thì khán giả đến sân vẫn èo uột. Sự chênh lệch cực lớn về thu nhập giữa các ngôi sao nước ngoài với cầu thủ nội đã khiến cho sự cạnh tranh bị triệt tiêu. Các cầu thủ nội gần như không còn động lực phấn đấu bởi sự xuất hiện của các ngôi sao nước ngoài trên sân dù phong độ thế nào đi nữa luôn là điều đương nhiên.
Hậu quả dễ thấy nhất là các đội tuyển nhiều cấp độ của bóng đá Trung Quốc đều thất bại nặng nề ở các giải đấu trong năm nay như vòng loại World Cup của tuyển quốc gia, các giải U.17, U.19 châu Á và thế giới…
Bóng đá Việt Nam cũng từng có những ông bầu muốn đánh bóng tên tuổi, rước về một vài ngôi sao nổi tiếng thế giới nhưng đã “về vườn”. Các môn thể thao tập thể khác chưa thấy xuất hiện ngôi sao ngoại, ngoại trừ giải bóng rổ nhà nghề đầu tiên vừa kết thúc.
Tuy nhiên, các nhà tổ chức bóng chuyền thì đang bàn phương án có thể cho xuất hiện vận động viên ngoại nhằm nâng cao chất lượng giải đấu, đồng thời tăng tính cạnh tranh phấn đấu cho vận động viên nội.
Đây là định hướng tốt nếu được tổ chức khoa học và quản lý chặt chẽ. Một trong những điều kiện để có thể thực hiện là bóng chuyền cũng phải chuyển sang chuyên nghiệp, các câu lạc bộ phải được doanh nghiệp hoặc các ông bầu đứng ra xây dựng và bảo đảm kinh phí.
Dù khi nào thực hiện mô hình bóng chuyền chuyên nghiệp hay thậm chí là nhiều môn thể thao khác đi nữa thì bài học về cách làm bóng đá ở Trung Quốc hiện nay cũng là kinh nghiệm quý để các nhà quản lý có thêm cơ sở xây dựng một “kịch bản” tốt nhất.
PHƯƠNG NAM