Trung tuần tháng 10-2015, lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết, ngành sẽ đứng ra tổ chức một hội nghị lớn để hiến kế cho bóng đá Việt Nam vượt qua những khó khăn và định hướng phát triển. Trả lời phỏng vấn báo chí thời điểm đó, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT khẳng định hội nghị sẽ diễn ra vào tháng 12-2015 và những nội dung quan trọng sẽ được đưa ra lấy ý kiến công luận trước. Dư luận quan tâm chờ đợi sự kiện này như là một “hội nghị Diên Hồng” về bóng đá.
Đó là thời điểm mà dư luận đang rất bức xúc về thành tích không như mong đợi của đội tuyển cũng như nhiều vấn đề tồn tại khác của bóng đá Việt Nam. Trong khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chưa có phản ứng gì thì ngành thể dục thể thao đã “ghi dấu ấn” bằng cách đứng ra lo cho tương lai nền bóng đá. Đây là điều người hâm mộ chờ đợi, không phải vì một hội thảo được tổ chức, mà nó cho thấy sự quan tâm của ngành đối với lĩnh vực mình phụ trách, ít nhất cũng về mặt chủ trương và định hướng phát triển. Dư luận khi đó ủng hộ, nhưng nhiều người cũng tỏ ra nghi ngờ về kết quả của một hội nghị chỉ mang tính bề nổi, trong khi bóng đá Việt Nam cần nhất là những người làm có tâm huyết và trách nhiệm.
Nhưng cho đến thời điểm những ngày cuối cùng của tháng 12-2015 này, kế hoạch của một hội nghị lớn như vậy vẫn không thấy tăm hơi. Liên lạc hỏi thông tin với lãnh đạo Tổng cục TDTT thì không nhận được câu trả lời nào. Phía VFF cũng không một ai có thông tin hay đề cập gì về câu chuyện này. Tại hội nghị Ban Chấp hành VFF diễn ra vào đầu tháng 12, người hâm mộ chỉ được nghe về sự chỉ trích nội bộ, về chuyển nhượng cầu thủ của một câu lạc bộ… nhưng mặc nhiên không có thông tin gì liên quan đến hội nghị bóng đá. Thật ra, VFF chỉ là cơ quan điều hành và thực hiện theo chủ trương của ngành thể dục thể thao nên khó mà chủ động được. Nhưng ít nhất, người ta cần một ít thông tin thì đơn vị này cũng không có.
Ba vấn đề lớn mà dự kiến hội nghị đặt ra gồm: công tác đào tạo cầu thủ trẻ, xây dựng lực lượng cho các câu lạc bộ, tuyển trẻ và tuyển quốc gia; cách thức tổ chức, điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp; cách xây dựng hình ảnh bóng đá Việt Nam qua các phương tiện tuyền thông. Đây chưa thật sự là cái gốc của vấn đề bởi như đã nói, “vấn đề” mấu chốt của bóng đá Việt Nam hiện nay vẫn là con người. Không có những con người am hiểu, tận tâm, khoa học, trách nhiệm thì dù cơ chế có hợp lý, chủ trương có thông thoáng, nguồn lực có dồi dào đến mấy thì vẫn không thể thay đổi được. Tuy nhiên, người hâm mộ vẫn chờ xem lời nói của cơ quan lãnh đạo của VFF “trọng lượng” đến mức nào, sự quan tâm và nhiệt huyết với nền bóng đá ra sao khi một hội nghị mang tính bề nổi như vậy cũng không thực hiện được.
Có thể diễn giải rằng, đến thời điểm này Tổng cục TDTT cảm thấy không cần thiết tổ chức một hội nghị với nội dung như vậy để đỡ tốn kém, hoặc công tác chuẩn bị chưa đầy đủ nên dời thời gian sang năm sau… Dù thực tế như thế nào đi nữa thì ít ra cũng có một thông tin chính thức về việc này để người khẳng định chủ trương trên và lãnh đạo ngành còn giữ được uy tín trước người hâm mộ. Nếu không, người ta có quyền nghĩ rằng việc tuyên bố hội nghị như là sự quan tâm đầy tâm huyết đối với bóng đá Việt Nam lúc đó cũng chỉ là câu cửa miệng mà thôi
PHƯƠNG NAM