Không xấu hổ vì đội tuyển thất bại mà ngày càng xấu hổ vì những người lợi dụng thất bại đó để tìm đủ mọi cách gây rối loạn công tác điều hành. Đó là nhận xét của nhiều bạn đọc khi theo dõi “diễn biến” thông tin hậu SEA Games của làng bóng đá trong nước hiện nay. Và đó cũng là một thực tế khó hy vọng giải quyết được, nếu như cái tâm đã không còn trong hành xử của những người làm bóng đá.
Trong khi hầu hết thành viên VFF đang bắt tay thực hiện nhiều vấn đề, từ việc giải quyết hậu quả trong thất bại tại SEA Games đến các giải pháp tình thế và lâu dài để bóng đá Việt Nam thay đổi, thì không ít người lại cố tìm cách làm cho sự việc phức tạp thêm. Đáng buồn là mọi sự phức tạp đều bắt nguồn từ những cá nhân mà trước đây khi tham gia công tác bóng đá đều để lại một hậu quả ê chề; người thì không làm được gì nên bị buộc phải nghỉ, người lại “nổi tiếng” với các vụ án bán độ của bóng đá nội… Nhưng có lẽ giờ đây những người này lên tiếng cũng là vô tình nói cho ai đó đang đứng phía sau khi mà nhiệm kỳ VFF sắp kết thúc để chuẩn bị cho việc bầu bán VFF nhiệm kỳ mới vào năm sau.
Không thể chối cãi một điều rằng, thất bại của bóng đá nam Việt Nam tại SEA Games vừa qua là ở khả năng của ban huấn luyện mà HLV trưởng có vai trò chính. Điều này cũng được vị HLV thừa nhận và chịu trách nhiệm bằng cách từ chức. Vậy nhưng người ta cứ cố tình đưa vấn đề sang chỗ khác, nào là VFF không có chuyên môn, Hội đồng HLV quốc gia toàn người dở không biết gì về bóng đá… Một năm trước, người ta còn khen Hội đồng HLV quốc gia đã được củng cố và hoạt động hiệu quả hơn trước. Ngoài chủ tịch là ông Nguyễn Sĩ Hiển, hội đồng còn có sự tham gia của các HLV uy tín nhất hiện nay như Mai Đức Chung, Lê Huỳnh Đức, Phan Thanh Hùng, Đoàn Thị Kim Chi. Thử hỏi, với những HLV nhiều kinh nghiệm, có thành tích nhất của bóng đá trong nước hiện nay trong hội đồng thì có phải hội đồng này đang làm “bù nhìn” như một số ý kiến cố tình bịa ra?
Về chuyên môn của VFF, các ý kiến cố tình bóp méo còn cho thấy sự ấu trĩ hơn, bởi đây là một tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bóng đá. Trong liên đoàn có nhiều bộ phận chuyên môn khác nhau để làm sao thực hiện được mục tiêu chung. Quan trọng nhất của lãnh đạo VFF là định hướng và thực hiện chiến lược phát triển bóng đá chứ không phải làm công tác huấn luyện. Những người đưa ra ý kiến lên án VFF cũng từng lên tiếng khen ngợi liên đoàn bóng đá các nước có lãnh đạo là các doanh nhân, nhà hoạt động chính trị, quan chức về hưu… cùng tham gia. Một khi có sự am hiểu về bóng đá cùng quyết tâm và chân thành, những người “ngoại đạo” cũng có thể làm tốt cho sự phát triển của bóng đá. Công tác thuần chuyên môn, nhất là các đội tuyển thì đều có bộ phận chức năng, nhưng quan trọng nhất vẫn là HLV, giám đốc kỹ thuật cùng ban huấn luyện thực hiện đúng mục tiêu đã đề ra.
Cũng phải nhìn nhận VFF nhiệm kỳ này còn nhiều việc phải làm, nhưng không đến mức họ quá tệ như các ý kiến phản bác. Điều cần nhất hiện nay là nếu không bắt tay nhau làm thì hãy để người khác làm. Góp ý chân thành là điều rất cần, nhưng đến mức chỉ trích một cách bất chấp thì đã góp phần làm xấu đi bộ mặt bóng đá Việt Nam