Sợ làm chủ tịch liên đoàn

Nhiều doanh nhân rất thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh, lại mê thể thao, nhưng hễ cứ mời ngồi vào ghế chủ tịch một liên đoàn hay hiệp hội thể thao nào đó thì đều chối quanh, viện dẫn lý do quá bận rộn nên “chịu thôi”.

Nhiều doanh nhân rất thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh, lại mê thể thao, nhưng hễ cứ mời ngồi vào ghế chủ tịch một liên đoàn hay hiệp hội thể thao nào đó thì đều chối quanh, viện dẫn lý do quá bận rộn nên “chịu thôi”.

Cũng có người lỡ “leo lên lưng cọp” đành rong ruổi cho hết nhiệm kỳ rồi xin rút, cũng với lý do quen thuộc, rằng “bận đến không thở nổi”. Ngoại trừ ghế Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam còn có uy, các liên đoàn thể thao khác giờ đây thường xuyên phải chạy sấp ngửa để tìm nhân sự, năn nỉ “gãy lưỡi” có khi chẳng doanh nhân nào gật đầu.

Đấy là thực tế tồn tại nhiều năm nay ở các tổ chức xã hội nghề nghiệp (định nghĩa về các liên đoàn và hiệp hội nói chung, trong đó có thể thao). Không ít liên đoàn đã phải dừng kế hoạch tổ chức đại hội nhiệm kỳ mới vì đến sát ngày vẫn chưa tìm được… tân chủ tịch. Bóng chuyền, bóng bàn, quần vợt… là những môn từng trải qua cảm giác hoang mang như vậy, ít nhất 1 lần trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình.

Vì sao lại phải sợ làm chủ tịch liên đoàn thể thao đến thế? Không khó để tìm câu trả lời nếu đem vấn đề này hỏi thẳng các vị doanh nhân, quan chức cao cấp từng được mời ngồi vào “ghế nóng”. Thường vì quá bận rộn với công việc ở lĩnh vực chính mình đang theo đuổi, nên dẫu có thích thể thao và muốn giúp đỡ phong trào đến mấy thì cũng chịu, họ gần như không thể san sẻ trách nhiệm cho nhiều việc cùng lúc được. Chuyện này thì khỏi bàn cãi vì nó mang tính thuyết phục cao. Thế nhưng, trong số đông các doanh nhân, quan chức được mời làm chủ tịch liên đoàn, hiệp hội có không ít người làm một thời gian rồi trở nên sợ hãi vì chuyện ở tổ chức xã hội nghề nghiệp này (chừng vài chục người) còn rắc rối và khó điều hành hơn cả một doanh nghiệp, tập đoàn có hàng ngàn nhân sự. Đã mang tiếng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” ở liên đoàn mà còn hứng chịu điều tiếng khi cấp dưới làm sai, khi hoạt động chuyên môn sa sút và dư luận gây sức ép nặng nề, thì chẳng ai dại gì làm cho hết nhiệm kỳ. Điều tưởng chừng vô lý nhưng lại là sự thật diễn ra nhiều năm nay.

Người trong giới bóng chuyền ai cũng biết trước đây, đã nhiều lần, cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Lê Minh Hồng xin rút lui, nhưng cũng phải cố kéo dài nhiệm kỳ đến 7 năm mới đến được thời hạn chuyển giao quyền lực cho người khác (ông Lê Văn Thành - người đứng đầu doanh nghiệp Động Lực). Ông Hồng trở về làm sếp của tập đoàn dầu khí mà thở phào vì vừa thoát được mớ bòng bong mà một bộ phận thuộc cấp của ông ở Liên đoàn bóng chuyền đã gây ra.

Mà không chỉ bóng chuyền mới gặp chuyện oái oăm, bóng bàn rồi cầu lông hay quần vợt… đều rơi vào tình trạng chậm tổ chức đại hội từ 2-3 năm, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xã hội hóa thể thao, tìm kiếm nguồn tài trợ giúp các môn thể thao phát triển. Đấy là chưa đề cập đến việc các doanh nhân không muốn tham gia các tổ chức xã hội nghề nghiệp của thể thao vì sợ không làm được gì. Còn các cán bộ của ngành TDTT khó có khả năng nắm giữ vị trí chủ tịch vì gần như không đủ năng lực. Hoạt động èo uột, không hiệu quả, nhiều liên đoàn có cũng như không khiến việc thu hút những người có uy tín xã hội tham gia các liên đoàn rất khó khăn.

LÊ HÙNG

Tin cùng chuyên mục