SLNA bán áo đấu tại ‘sân khấu’ của Hà Nội FC: Những chiếc áo biết nói

Các diễn đàn bóng đá Việt Nam hôm 27-7 đồng loạt đăng tải những tấm hình SLNA đem áo đấu của họ bán ngay tại sân Hàng Đẫy, bốn ngày trước trận đại chiến với chủ nhà Hà Nội FC thuộc vòng 10 V-League 2022. Bóng chưa lăn, nhưng cuộc chiến về Marketing giữa 2 đội đã bùng nổ, và góp phần tăng sức nhiệt cho trận cầu đinh.

SLNA bán áo đấu của họ ngay tại sân Hàng Đẫy. ẢNH: CLB
SLNA bán áo đấu của họ ngay tại sân Hàng Đẫy. ẢNH: CLB

Đội khách mở quầy trưng bày, bán áo đấu và đồ lưu niệm ngay đất khách. Hành động này không có gì làm lạ với những nền bóng đá tiên tiến. Nhưng riêng bóng đá Việt Nam, đó là câu chuyện thú vị vì xưa nay chưa từng có. Đáng nói hơn, SLNA bán đồ chính hãng của họ ngay tại “sân khấu” Hàng Đẫy, nơi mà Hà Nội FC vẫn đang cố gắng xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp cũng thông qua bán những sản phẩm tương tự như vậy!

Giới mộ điệu trong nước vốn quen thuộc hình ảnh các đội mở quầy lưu động trên sân nhà để bán hàng chính hãng cho CĐV đến sân theo dõi trận đấu. Giờ đây, SLNA lần đầu mang sản phẩm của họ “chào hàng” ở đất khách quê người, tận dụng nguồn CĐV đông đảo đến sân Hàng Đẫy mua vé để kích cầu. Còn đó những bất cập, nhưng ít ra SLNA dám nói, dám hành động và trở thành tiên phong để thổi luồng gió mới. Bởi phải có người đi đầu thì mới hy vọng thay đổi nhận thức, tư duy làm bóng đá của những người khác trong cuộc chơi này.  

SLNA luôn nằm trong tốp đầu V-League về lượng người hâm mộ đến sân ủng hộ đội bóng. Một phần vì hội đồng hương Nghệ An trải đều từ Bắc vào Nam, nên đội bóng xứ Nghệ không bao giờ cô đơn khi chơi bóng xa nhà. SLNA từng có thời ký hợp đồng với một nhãn hàng nổi tiếng ở Italia, nhưng đối tác cũng phải “chạy bỏ lấy người” vì những chiếc áo fake (áo giả) xuất hiện tràn lan trên các khán đài. Bài học vẫn còn vẹn nguyên giá trị với SLNA và nhiều đội bóng khác ở Việt Nam. Kinh nghiệm rút ra đã giúp đội bóng xứ Nghệ có cách tiếp cận với thị trường đầy thông thái. Nếu mọi việc tiến triển tốt thì đó là “nguồn sữa” vô tận để nuôi đội bóng.

SLNA bán áo đấu tại ‘sân khấu’ của Hà Nội FC: Những chiếc áo biết nói ảnh 1 SLNA tiên phong trong việc bán các sản phẩm chính hãng của CLB
Còn với con người xứ Nghệ sống trọng tình cảm, khoác lên bộ áo đấu của SLNA cũng là cách để thể hiện tình yêu với quê hương. Và những đội bóng nặng tính địa phương như Thanh Hoá, Hải Phòng, Nam Định, Đà Nẵng... sẽ xem đó là hình mẫu cho sự phát triển.

Bên cạnh việc kêu gọi mua vé, nhiều CLB ở V-League đang triển khai mọi cách để tuyên truyền người hâm mộ mua ủng hộ áo đấu hay đồ lưu niệm chính hãng, hoặc ít ra không nên mua áo fake (áo giả). Đó là công việc bắt buộc với bóng đá đương đại, và cần được duy trì để tạo thói quen chuyên nghiệp cho người hâm mộ. Nếu CĐV nhận thực được hành động cực kỳ đơn giản này sẽ góp phần giúp hình ảnh của CLB trở nên lung linh hơn, chuyên nghiệp hơn. Bởi bóng đá chuyên nghiệp phải biết cách kiếm tiền để “nuôi sống” đội bóng.

Lấy hình mẫu Thai League, đội khách được phát một lượng vé nhất định để về phân phối lại cho người hâm mộ của họ. Những tấm vé được bán đi kèm theo điều kiện phải khoác lên trang phục cổ động (áo thi đấu, áo CĐV, khăn quàng cổ...) của CLB đó. Đó là cách để kiếm tiền nuôi đội bóng, quảng bá hình ảnh, đồng thời không trộn lẫn giữa CĐV đội nhà và đội khách trong việc cổ vũ.

Tin cùng chuyên mục