Siết chặt kỷ cương

1. Việc trung vệ đội trưởng Quế Ngọc Hải không được gọi vào đội tuyển U.23 chuẩn bị cho vòng chung kết (VCK) U.23 châu Á được xem là hợp lý, bởi cầu thủ này đang chịu án treo giò 6 tháng của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho dù phạm vi áp dụng án phạt này chỉ ở các giải đấu chuyên nghiệp cấp CLB. Chính vì thế, khá nhiều người ngạc nhiên khi HLV đội tuyển Việt Nam Miura lại triệu tập hậu vệ Phạm Mạnh Hùng, cầu thủ vừa bị đội SLNA loại khỏi danh sách thi đấu cũng như nhận án phạt từ VFF treo giò 3 trận tại giải U.21 do có hành động đe dọa tấn công trọng tài. Cũng trong bản danh sách của HLV Miura, thêm trường hợp của tiền vệ Huỳnh Tấn Tài, người cũng nhận án phạt từ hành động tương tự Phạm Mạnh Hùng tại giải U.21.

Trong bóng đá, lỗi hành vi được xem là nghiêm trọng hơn các lỗi khác trong quá trình thi đấu trên sân cỏ. Cùng một hành động phạm lỗi, nhưng nếu có hành vi xấu thì sau khi trận đấu kết thúc, các cầu thủ sẽ bị kỷ luật nặng hơn nhiều. Đây là điều đã xảy ra đối với trường hợp của Quế Ngọc Hải cho dù trong trận đấu, việc phạm lỗi của cầu thủ này chỉ bị trọng tài phạt thẻ vàng. Hành vi tấn công, đe dọa trọng tài bị nghiêm cấm trên sân cỏ, với các cầu thủ U.21 lại càng khó chập nhận, thế nhưng việc triệu tập Phạm Mạnh Hùng, Huỳnh Tấn Tài lên tuyển U.23 khiến cho các án phạt mà 2 cầu thủ này nhận vài tuần trước trở nên “nhẹ tựa lông hồng”.

Điều đáng nói là dưới thời HLV Miura, đây không phải là các trường hợp đầu tiên. Tại vòng loại World Cup 2018, hậu vệ Trần Chí Công từng được triệu tập ngay sau khi nhận án kỷ luật treo giò 3 trận do hành vi nhổ nước bọt vào cầu thủ đối phương.

2. Ở bóng đá thế giới, các lỗi xúc phạm trọng tài hay cầu thủ đối phương luôn được đánh giá là nặng hơn việc phạm lỗi trong thi đấu, bởi nó liên quan đến đạo đức cầu thủ. Gây ra chấn thương cho đối thủ có khi chỉ là tai nạn ngoài mong muốn hoặc đơn thuần vì thiếu kỹ năng chơi bóng, nhưng một cầu thủ có đạo đức không tốt thì thường nảy sinh ý đồ triệt hạ đối thủ. Bóng đá Việt Nam đã báo động tình trạng bạo lực sân cỏ trong nhiều năm gần đây, cái gốc của vấn đề vẫn là ý thức cầu thủ, văn hóa trong thi đấu. Thế nên, với các hành vi liên quan đến đạo đức, cần phải mạnh tay xử lý.

Nhiều ngày qua, cuộc “khẩu chiến” giữa HLV của đội HA.GL và đội U.21 Báo Thanh niên đang khiến dư luận bất bình khi các vấn đề cá nhân được đưa ra để đả kích nhau. Khen đội nhà, chê đối thủ là chuyện bình thường nhưng đánh giá về cá nhân đồng nghiệp lại là điều tối kỵ. Đến các HLV còn ứng xử với nhau như vậy thì thật khó để giáo dục cầu thủ, nhất là ở bóng đá trẻ.

Nếu cứ mãi dung dưỡng cho chính các hành vi liên quan đến đạo đức thì không thể nào nâng cao văn hóa sân cỏ được. Xem ra, giữa lời nói và hành động của các nhà quản lý bóng đá Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn!

Chuẩn bị cho VCK U.23 châu Á, U.23 Việt Nam sẽ tập trung vào ngày 1-12 tại Hà Nội và có 2 trận đấu tập nội bộ với đội tuyển bán chuyên nghiệp của Nhật Bản (JFL Selection), lần lượt vào ngày 12 và 14-12. Vào ngày 17-12, U.23 Việt Nam sẽ được thử lửa với đối thủ có đẳng cấp cao hơn, đó là CLB Cerezo Osaka, hiện đang thi đấu tại J-League 2.

Tại giải U.23 châu Á, Việt Nam rơi vào bảng đấu khá nặng với các đối thủ Jordan, Australia và UAE. Đây là lần đầu tiên Việt Nam giành được quyền tham dự giải đấu này.

KHANG VIỆT

Tin cùng chuyên mục