Cơ hội để Nadal xưng Bá
Nadal đang trải nghiệm một mùa giải “hồi sinh” và thành công rực rỡ. Giành chiến thắng trong trận chung kết ATP World Tour thứ 110 tại China Open, để đăng quang ngôi vô địch thứ 75 trong sự nghiệp, và cũng là danh hiệu thứ 6 trong mùa giải năm nay, Nadal chính là ứng cử viên nặng ký nhất cho chiếc cúp Shanghai Masters 2017.
Tuy vậy, có một thực tế khá trớ trêu, Nadal chưa bao giờ xưng Bá ở giải đấu tại “Bến Thượng Hải”. Thành tích tốt nhất của “Nhà vua ATP” tại Shanghai Masters (từ năm 1996 đến năm 2004, giải đấu chỉ thuộc tầm International Series, kể từ năm 2009 cho đến nay, giải mới được nâng tầm đẳng cấp Masters 1.000, là giải Masters 1.000 duy nhất trên đất châu Á) là lọt đến trận chung kết hồi năm 2009 trước khi thúc thủ trước Nikolay Davydenko (Nga) với điểm số 6-7 (3-7) và 3-6. Shanghai Masters chính là một trong số vài danh hiệu Masters 1.000 (bên cạnh Miami Masters – 1 trong 2 giải “tiểu Grand Slam” trên đất Mỹ và Paris Masters) mà Nadal vẫn còn thiếu trong bộ sưu tập “dày cộm” với 30 chiếc cúp của mình.
Năm nay, Nadal sẽ muốn viết nên một thứ kịch bản khác, với sự tự tin từ ngôi vô địch US Open và China Open, với 6 danh hiệu trong mùa với 61 trận thắng, chỉ chịu thua 9 trận đấu và chuỗi thành tích 12 trận thắng liên tiếp gần đây. Dẫn trước Federer đến… 2.370 điểm khi bước vào giải đấu “Bến Thượng Hải tranh bá đồ long” (Nadal đang sở hữu 9.875 điểm trên bảng xếp hạng, Federer xếp ở vị trí thứ nhì với 7.505 điểm), Nadal cũng có một lợi thế tâm lý vô cùng to lớn so với “đại kình địch” của mình. Họ sẽ tái ngộ lần đầu tiên, sau Laver Cup, và lần này, sẽ không còn là đồng đội đứng chung một mặt sân. Họ – nếu không có gì thay đổi – sẽ đối mặt nhau ở trận chung kết đình đám, để xác định xem, ai mới chính là “ông Vua của Thượng Hải”. Federer đã là “Vua” ở Melbourne và London, Nadal là “Vua” ở Paris và New York”, nhưng ở “Bến Thượng Hải” khó lường, bất kỳ chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Federer chưa từng cảm thấy xa lạ với giải đấu tại “Bến Thượng Hải”. Anh mới chỉ đăng quang 1 lần ở Shanghai Masters, đó là giải đấu hồi năm 2014, anh thắng Gilles Simon (Pháp) với điểm số 7-6 (8-6), 7-6 (7-2) trong trận đấu chung kết. Thế nhưng, khi mà SVĐ Qizhong vẫn còn tổ chức các kỳ Masters Cup (tiền thân của ATP World Tour Finals sau này, hay còn gọi là giải “Bát đại cao thủ” của làng quần vợt nam thế giới hàng năm), Federer đã từng 2 lần đăng quang ngôi vô địch. Hồi năm 2006, anh thắng James Blake (Mỹ) 6-0, 6-3, 6-4 ở chung kết; còn hồi năm 2007, anh thắng David Ferrer (Tây Ban Nha) 6-2, 6-3, 6-2 trong trận đấu cuối cùng. Có thể nói, “Rồng trong loài người” là Federer, nếu về với biển khơi tại “Bến Thượng Hải”, sẽ trở nên rất lợi hại.
Đó cũng là ưu thế của Federer so với Nadal. Một trong các ưu thế khác, là anh được nghỉ ngơi khá lâu, kể từ sau Laver Cup, anh không tham gia một trận đấu nào cho đến thời điểm này của Tour đấu châu Á. Ngược lại, Nadal liên tục chơi không ngừng nghỉ suốt 7 trận đấu ở US Open (Federer chỉ trải qua 5 trận đấu ở đây vì bị loại bởi Juan Martin del Potro từ tứ kết), ở Laver Cup và thêm 5 trận đấu nữa ở Beijing. Thể lực sẽ là lợi thế dành cho tay vợt cựu số 1 thế giới người Thụy Sỹ.
Tất nhiên, sẽ là quá cực đoan nếu chỉ nhắc đến “Bá vương thương” Nadal và “Long tại giang hồ” Federer. Ở “Bến Thượng Hải tranh bá đồ long”, vẫn còn những “thiếu hiệp” lợi hại khác. Một trong số đó chính là “Tiểu Federer” Grigor Dimitrov – người có nhiều khả năng sẽ đối mặt với Nadal ở tứ kết. Dimitrov (hạng 9 thế giới) mới để thua Nadal trong trận đấu mà anh này đã “bất chấp thủ đoạn, quyết không nhận tình bằng hữu” với tay vợt số 1 thế giới người Tây Ban Nha, nhưng bao nhiêu đó vẫn là không đủ khi Nadal cũng quyết định “dứt tình” và giành chiến thắng với điểm số 6-3, 4-6, 6-1. Đó là trận bán kết của China Open 2017. Dimitrov đã giành 3 danh hiệu trong mùa, anh mới thắng giải Masters 1.000 đầu tay ở Cincinnati. Người ta nói, anh đã trưởng thành rất nhiều so với thời “yêu đương vô tội vạ”, không chú tâm vào sự nghiệp. Anh có nghĩa vụ chứng minh điều đó, trước mắt ngay ở “Bến Thượng Hải” này.
Các kết quả mới nhất
_Feliciano Lopez (Tây Ban Nha) – Ivo Karlovic (Croatia) 7-6 (7-1), 7-6 (8-6)
_Richard Gasquet (Pháp) – Robin Haase (Hà Lan) 6-7 (11-13), 7-5, 6-2
_Hyeon Chung (Hàn Quốc) – Roberto Bautista (Tây Ban Nha) 6-4, 6-3
_Frances Tiafoe (Mỹ) – Benoit Paire (Pháp) 6-4, 6-4
_Stefanos Tsitsipas (Hy Lạp) – Karen Khachanov (Nga) 7-6, 6-3
_Albert Ramos Vinolas (Tây Ban Nha) – Joao Sousa (Bồ Đào Nha) 3-6, 6-3, 7-5