Sepp Blatter giữa thương và ghét

Sepp Blatter tái đắc cử Chủ tịch FIFA ngay sau khi nổ ra vụ bê bối tham nhũng được xem là lớn nhất trong lịch sử FIFA. Sepp Blatter lần thứ năm tại vị chức chủ tịch khi mà FIFA đang bị Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) và các nước thành viên công kích dữ dội nhất. Vì sao một người, theo truyền thông phương Tây, được xem là “bố già”, là ông trùm của bóng đá thế giới lại được tín nhiệm cao nhất bất chấp sự chỉ trích đang độ mạnh mẽ nhất?

FIFA hiện có 209 liên đoàn thành viên, trong đó châu Âu có 53, châu Phi 54, châu Á 46, Concacaf 35, châu Đại Dương 11 và Nam Mỹ 10. Lá phiếu của các liên đoàn có giá trị như nhau trong các cuộc bầu cử. Dù châu Âu có nền bóng đá phát triển mạnh nhất thế giới nhưng xét về quyền lợi trên lá phiếu thì họ vẫn thua châu Phi một phiếu. Ngoài ra, liên đoàn bóng đá các nước châu Á cũng có tiếng nói khá lớn dù nền bóng đá khu vực này vẫn thuộc nhóm “đang phát triển”. Với cơ cấu này thì nếu tất cả các liên đoàn bóng đá châu Âu có gạch tên thì ông Sepp Blatter vẫn còn quá nhiều phiếu khác có thể dành cho nhân vật này chứ không phải “một mình chống lại châu Âu” như không ít người từng nghĩ. Vấn đề là chất lượng các lá phiếu dành cho Sepp Blatter ở mức độ nào mới là quan trọng.

Như đã biết, bóng đá châu Âu đang chống lại Blatter, nên một chiến dịch truyền thông đã được ồ ạt diễn ra để phục vụ ý đồ này. Đỉnh điểm của xung đột là việc Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đòi tẩy chay World Cup và tách khỏi FIFA. Hàng loạt nghi vấn hối lộ, tham nhũng được tung ra, và ít nhất đã có khoảng chục quan chức cấp cao của tổ chức này đã bị bắt giữ để điều tra. Sepp Blatter như bị dồn vào chân tường, và ai cũng nghĩ đây là thời điểm cáo chung của “bố già” này. Thế nhưng, bên cạnh châu Âu là những liên đoàn bóng đá của các khu vực khác có tiếng nói riêng của họ. Trở lại dòng lịch sử, từ khi Sepp Blatter nắm quyền điều hành FIFA, tổ chức này đã có những chuyển đổi quan trọng khiến nó trở nên mạnh mẽ, quyền lực hơn bao giờ hết. Dưới quyền điều hành của Blatter, bóng đá đã làm ra tiền, các giải bóng đá các nước mạnh lên, cầu thủ có thu nhập nhiều hơn và FIFA cũng trở thành một trong những tổ chức giàu có nhất thế giới. Khi đã có tiền, FIFA có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ bóng đá các nước nghèo, kém phát triển, tập trung chủ yếu ở châu Phi, châu Á, giúp các nước này đẩy mạnh phát triển bóng đá. Trong chiến lược đó, đương nhiên châu Âu giàu có và phát triển sẽ không được hưởng lợi nhiều. Có vẻ như đây là nguyên nhân chính của mối bất hòa giữa UEFA với FIFA .

Với đa số các nền bóng đá trên thế giới, dù là Sepp Blatter hay ai chăng nữa nắm quyền thì họ vẫn mong nhận được sự hỗ trợ, từ tiền bạc đến kinh nghiệm phát triển. Xét dưới khía cạnh đó, người ta chưa nhìn thấy một nhân vật nào có thể thay thế. Ngay cả như Michel Platini đại diện cho UEFA, nhân vật đối đầu với Sepp Blatter, cũng chỉ mang đến hình ảnh của một cá nhân “đố kỵ” hơn là phong thái của một người điều hành bóng đá thế giới. Có thể, Sepp Blatter khó trụ vững trong nhiệm kỳ sóng gió này, và cũng có thể ông ta bị phanh phui ra nhiều tiêu cực trong thời gian tới, nhưng cũng không thể trách những ai bỏ phiếu cho ông ta bởi người ta chưa tìm thấy ai phù hợp hơn.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục