“Say ngoại”!

“Say ngoại”!

“1.000 tỷ đồng để xem giải Ngoại hạng Anh”, nghe thì có vẻ sốc nhưng đa số chuyên gia trong ngành truyền hình đã khẳng định: con số ấy chỉ là “chuyện nhỏ”, thấm vào đâu so với lợi nhuận đem lại cho các nhà đài. Để lý giải, các chuyên gia đều chỉ ra rằng: Nếu không có giải Ngoại hạng thì dân ghiền bóng đá Việt xem gì bây giờ?

Đó chính là điểm cốt lõi của vấn đề. 1.000 tỷ đồng ấy trên thực tế là chia đều cho 3 mùa bóng và phục vụ cho hơn chục triệu người dân Việt Nam xem thứ bóng đá đẳng cấp thế giới trên truyền hình vào mỗi cuối tuần với gần phân nửa số trận đấu. Nếu mỗi gia đình bỏ ra mỗi tháng gần 200.000 đồng cho phí thuê bao thì tính ra, vẫn còn rẻ hơn nhiều so với một CĐV đến sân xem bóng đá Việt trong 1 trận đấu.

Tất nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng và cũng phải thừa nhận, bỏ ra chừng ấy tiền để mua bản quyền thì quá cao và người chịu thiệt hại vẫn là người xem. Nhưng nếu xét riêng ở khía cạnh bóng đá, chưa hẳn đó là con số khiến dân ghiền phải “băn khoăn”. Hãy nghĩ xem, mỗi đội bóng Việt Nam tốn 40-50 tỷ đồng mỗi năm, cũng gần cả nghìn tỷ đồng cho một mùa giải V-League nhưng đã đem lại gì cho người hâm mộ? Không thể trách người hâm mộ càng ngày càng không muốn xem bóng đá Việt Nam trên truyền hình khi mà ngay chính việc đến sân xem trực tiếp ngày càng sụt giảm số lượng. Xin nhớ là đa số các trận đấu mở cửa miễn phí.

Ở đây, vấn đề không thể “nâng cao quan điểm” là người hâm mộ Việt Nam “sính” ngoại mà nên nói rằng, họ “say” bóng đá ngoại hơn bóng đá nội.

Chất lượng V-League kém, thế cho nên người hâm mộ Việt Nam mới đổ dồn về giải Ngoại hạng Anh.

Chất lượng V-League kém, thế cho nên người hâm mộ Việt Nam mới đổ dồn về giải Ngoại hạng Anh.

o 0 o

Ở một góc nhìn khác, có người còn đưa ra lý luận “ngược” rằng chính bóng đá Việt Nam làm cho bản quyền giải Ngoại hạng Anh… tăng lên. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng không phải là hoàn toàn vô lý.

Bóng đá là môn thể thao số 1 ở Việt Nam. Những kết quả thi đấu đáng khích lệ của đội tuyển quốc gia giai đoạn trước đây lại càng tăng thêm số lượng người thích xem bóng đá. Thế nhưng, thay vì lượng CĐV khổng lồ đó tiếp tục mê bóng đá nội thì chẳng nói làm gì, đằng này, kết quả thi đấu của ĐTQG cùng sự èo uột, biến chất của các giải đấu nội địa khiến cho người xem bị… “bỏ đói”.

Không lẽ đã lỡ ghiền bóng đá mà tự dưng “bỏ cái rụp” được, xu hướng mê bóng đá ngoại xuất hiện và chắc chắn, giải Ngoại hạng Anh là ưu tiên hàng đầu để người xem chuyển kênh trên truyền hình. Lỗi ấy, không do bóng đá nội gây ra thì là gì? Phải chăng, chính làng cầu nội địa vô tình tạo nên lượng người xem khổng lồ để rồi các đối tác nước ngoài tha hồ “ép giá” bản quyền truyền hình, điều mà V-League đã không thể và chưa biết bao giờ mới làm được.

Nói cách khác, “không xem bóng đá Anh thì… xem gì”? Quá dễ để nói rằng các đài truyền hình Việt Nam đừng mua bản quyền bằng mọi giá. Chuyện ấy có thể xảy ra nhưng điều đó vẫn không thể “trả lại” cho bóng đá Việt lượng CĐV tiềm năng và cũng chẳng thể ngăn được những người “say bóng đá ngoại” ấy xem giải Ngoại hạng Anh qua các kênh internet.

Như đã nói, đây không phải là chuyện “sính ngoại” mà đơn thuần chỉ là nhu cầu của một CĐV bóng đá muốn được xem các trận đấu chất lượng cao, sòng phẳng, trung thực. Nếu V-League không thể đáp ứng thì không xem giải Ngoại hạng Anh, người ta rồi cũng sẽ xem Serie A, La Liga… và biết đâu, các nhà đài vẫn sẽ tốn tiền (dù ít hơn) để mua bản quyền các giải đấu đó.

Nói không phải “đổ thừa” chứ “giá như V-League hấp dẫn như… giải Ngoại hạng Anh” thì hay biết mấy?!

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục