Nói bất ngờ là vì cách đây 1 năm, Quảng Nam là nhà vô địch V-League, trong khi đó với Thanh Hóa thì từ năm 2014 đến nay, họ 2 lần về 3, 2 lần á quân V-League. Với những thành tích như vậy mà tuột dốc không phanh quả là khó tin.
Nhưng trên thực tế, ai cũng có thể thấy được viễn cảnh này của 2 đội bóng. Đầu mùa giải này, tập đoàn FLC “trả lại” đội Thanh Hóa về cho địa phương, còn với Quảng Nam, họ không còn nhận sự tài trợ của một sàn giao dịch bất động sản có tiếng. Thiếu hụt nguồn lực tài chính, cũng đồng nghĩa với mất luôn mục tiêu phấn đấu. Nếu một trong 2 đội bóng này phải xuống đá hạng nhất, có lẽ cũng không khiến ai bất ngờ.
Câu chuyện của Quảng Nam và đặc biệt là Thanh Hóa một lần nữa khẳng định sự mong manh của nền tảng bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam. Lấy trường hợp của Thanh Hóa. Đây là lần thứ 3 đội bóng bị các doanh nghiệp “trả lại” cho tỉnh trong vòng 10 năm qua.
Còn nếu tính từ năm 2007, lần đầu tiên họ lên đá tại V-League, thì đội bóng này đã thay tên, đổi họ đến 7 lần, chủ yếu liên quan đến vấn đề tài chính - tài trợ. Có năm như 2009, lẽ ra họ đã xuống hạng nhất nhưng trụ lại V-League nhờ nhận chuyển nhượng của Viettel Thể Công. Như vậy, với 12 năm thi đấu ở V-League nhưng sự ổn định vẫn còn khá xa xỉ với bóng đá xứ Thanh.
Đây là nghịch lý rất lớn cho một trong những địa phương có truyền thống bóng đá và đông đảo người hâm mộ trên khắp cả nước. Không hiểu vì sao đã thay đổi nhiều mô hình công ty, làm việc với nhiều doanh nghiệp khác nhau, nhưng những người làm bóng đá ở Thanh Hóa vẫn chưa tìm được công thức an toàn cho mình, để rồi chỉ cần FLC rút bầu sữa thì mọi thứ trở về… thời bao cấp.
Trong khi đó, “người hàng xóm” của họ là SLNA dù luôn ở trong cảnh khó khăn về tài chính nhưng vẫn duy trì thành tích không tồi nhờ các giải pháp về đào tạo cầu thủ.
Những trường hợp của Thanh Hóa thì quá rõ ràng, vậy nhưng cho đến nay, các giải pháp về tài chính cho bóng đá nội địa hầu như không có chuyển biến nào mới. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ tiếp diễn cảnh “sáng đổi tên, chiều rớt hạng”. Hàng chục đội bóng xuất hiện và biến mất dường như vẫn chưa tạo ra được bài học cho các nhà làm bóng đá địa phương, do sự lệ thuộc vào tiền tài trợ vẫn rất lớn.
Ví dụ như năm ngoái, suýt nữa Nam Định đã phải ngừng thi đấu chỉ vì thiếu tiền cho dù chỉ vừa mới chân ướt chân ráo trở lại V-League. Đá cứ đá, lên hạng cứ lên hạng, nhưng tiền đâu để hoạt động thì hầu như không ai tính toán được.
Thế nên hiện nay, tại giải hạng nhất, có một loạt đội bóng chấp nhận không thăng hạng. Chủ yếu là những đội còn thuộc địa phương bởi họ quá thấm thía câu chuyện “lên dễ, trụ mới khó”. Nếu đa số các đội hạng nhất đều có suy nghĩ như vậy thì đương nhiên chất lượng của V-League sẽ không thể được nâng cao do thiếu tính cạnh tranh và sự kế thừa từ giải đấu bên dưới.