Nếu phải dùng chỉ 1 từ để tổng kết bóng đá Việt Nam trong năm qua, thì đó là: Mừng. Sắp đến có Tiến hay Lùi thì chưa biết nhưng có nhiều điều đáng mừng cho bóng đá Việt. Tuy nhiên, không biết niềm vui ấy được bao lâu nếu những nhà quản lý vẫn cách làm và tư duy như 10 năm trước
Sự thành công (trước mắt) trên phương diện cá nhân của các cầu thủ HA.GL là niềm vui không thể phủ nhận được cho dù tài năng thật sự của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường vẫn chưa thể được đánh giá một cách chính xác do con đường thành công của họ được “thiết kế” quá kỹ càng, bài bản. Ngay chuyện họ sang J-League 2 hay K-League thực ra phải hiểu là đi “du học” lại được “chuyển ngữ” thành “gả gái ngoan về nhà giàu”.
Trong câu chuyện này, điểm đáng mừng thật sự không phải là số tiền chuyển nhượng mà là nó đã chứng tỏ nội lực của bóng đá Việt Nam không kém. Tức là nếu được đầu tư bài bản, có chiến lược rõ ràng thì có lẽ cái khoảng cách với bóng đá Thái Lan không lớn như thất bại 0-3 tại Mỹ Đình ở vòng loại World Cup 2018.
Điều này được thể hiện rõ hơn ở việc các đội U.16, U.19 và U.23 giành quyền dự VCK các giải châu Á. Trên thực tế, đây không phải là lần đầu bóng đá trẻ Việt Nam làm được như vậy, vấn đề là khi trưởng thành, họ lại không thể vươn lên một đẳng cấp tương đương khi còn tuổi U.
***
Những ồn ào quanh chiếc ghế của HLV Miura chính là điểm đáng mừng kế tiếp. Tranh cãi nhiều, thậm chí còn có phong trào tẩy chay dẫn đến các thái độ tiêu cực đối với đội U.23 Việt Nam và cá nhân của nhà cầm quân người Nhật Bản, tuy nhiên chính vì thế mới thấy là bóng đá Việt Nam vẫn còn được quan tâm. Đừng để ý đến HLV Miura bởi không có ông này thì cũng sẽ có người khác, cái may mắn là các đội tuyển quốc gia vẫn “lấy” được cảm xúc của người hâm mộ. Nói cách khác, ông Mura chỉ là một cái cớ dẫn đến “xung đột” về quan điểm nhưng mục đích chính vẫn là muốn tốt cho đội tuyển quốc gia mà thôi.
Cuối năm 2015, bầu Đức rộn ràng thì Miura (phải) vô tình thành tâm điểm bị chỉ trích. Ảnh: Anh Tiến
Chính sự tranh cãi ấy mới “lòi” ra trách nhiệm của VFF. Họ có quyền bảo vệ quan điểm chọn HLV Miura của mình nhưng đã không còn có thể làm ngơ trước đòi hỏi của dư luận. Không ai muốn bóng đá Việt Nam thay HLV như thay áo, chính vì thế khi đặt bút ký hợp đồng với bất kỳ chuyên gia ngoại nào, càng phải cân nhắc để tránh rơi vào tình trạng như đang diễn ra với U.23 Việt Nam trước khi lên đường sang Qatar. VFF lẽ ra đã không rơi vào cuộc khủng hoảng như hiện nay nếu họ có Giám đốc kỹ thuật, có một Hội đồng HLV làm đúng chức năng, hỗ trợ tốt về chuyên môn cho HLV Miura. Chính việc để ông Miura muốn làm gì thì làm khiến dư luận chĩa mùi dùi về nhà cầm quân người Nhật dù trong thâm tâm ai cũng biết ông ta chỉ là người “thụ hưởng” những gì mà V-League tạo ra.
***
Hơn 10 năm trước, bầu Đức cũng tạo nên một cuộc đua danh vọng tại V-League với Dream Team. Kết quả thu được hàng chục doanh nghiệp nhảy vào bóng đá và chức vô địch AFF Cup 2008 nhưng rốt cục cũng chẳng đi đến đâu về trình độ bóng đá Việt. Lần này, cũng là bầu Đức khởi xướng cuộc đua về đào tạo trẻ, cũng có vài nơi tham gia, nhiều nơi cũng "nóng mặt” muốn đua tranh nhưng có vẻ như kịch bản không khác gì trước đây lắm.
Bởi những gì mà bầu Đức làm ở cả 2 lần đều dựa trên nguồn tiền chi không biết ngán. Thành công thì có nhưng mức ảnh hưởng đến cộng đồng thì không nhiều. Ai cũng thấy dàn cầu thủ trẻ của HA.GL nổi trội nhưng với nền tảng tài chính dưới mức sàn hiện nay, liệu có ai dám kiên trì 5-7 năm để đào tạo trẻ? Hay là lại tái diễn tình trạng nhà nhà đầu tư học viện đế “lấy tiếng” đến khi thấy chán thì bỏ ngang?
Tóm lại, bóng đá Việt Nam có nhiều tin mừng trong năm 2015 nhưng với cái cách “hạ cánh an toàn" của đại hội thường niên VFF vừa qua thì niềm vui có vẻ không tồn tại được lâu. Có cơ hội lớn để thay đổi mà không tổ chức đại hội theo kiểu “cho xong” như vậy, hy vọng cái nỗi gì vào chuyện thay đổi tư duy?
Hồ Việt