Roland Garros 2018: Sharapova chạm trán Serena – Đại chiến của những thế lực “cổ xưa”

Vài năm trước, họ từng “thống trị” cả thế giới. Danh tiếng họ vẫn còn, nhưng kể từ khi quay trở lại sau một thời gian dài vắng bóng, họ đã không còn được như xưa, một phần vì thế giới quần vợt ngày hôm nay đang chạy theo một nhịp điệu cực kỳ gấp gáp, đòi hỏi phải có một nền tảng thể lực khủng khiếp. Liệu họ, có thể “triệu hồi”, những năm tháng oanh liệt ngày nào? Tối nay, Maria Sharapova tái ngộ Serena Williams…
Sharapova và Serena ở Wimbledon
Sharapova và Serena ở Wimbledon

Thế lực “cổ xưa”

Giữa 2 người bọn họ, là cả “một bầu trời lịch sử”, là những giá trị tồn tại xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại, và từ hiện tại sẽ được lưu giữ đến tận cùng của tương lai, là thứ “quyền lực cổ xưa mà nghe qua, ai ai cũng đều cảm thấy dựng tóc gáy”. Họ là những “Cựu Nữ hoàng”, “Cựu vô địch Grand Slam”. Họ là tượng đài của WTA Tour, là giá trị của làng quần vợt nữ thế giới trong hàng chục năm trời, và cũng vẫn sẽ là như vậy!

Serena sở hữu 72 danh hiệu lớn nhỏ. Sharapova cũng có trong tay 32 ngôi vô địch WTA Tour. Nghĩa là, hợp lại cùng với nhau, tay vợt cựu số 1 thế giới người Mỹ và tay vợt cựu số 1 thế giới người Nga cùng sở hữu 104 ngôi vô địch. Cùng với nhau, họ sở hữu 28 danh hiệu Grand Slam, và chưa có kiểu danh hiệu nào, từ sân cứng Melbourne Park, sân đất nện Roland Garros, sân cỏ Wimbledon hay là sân cứng Flushing Meadows mà họ có thể bỏ qua.

Họ vẫn là như vậy, và sẽ mãi mãi là như vậy, những nhà vô địch lớn, niềm tự hào của cả thế giới, là đại diện của nữ quyền, vượt ra ngoài biên giới của quần vợt đơn thuần, là cỗ máy kiếm tiền, là bảo chứng thành công của WTA Tour, và chắc chắn, là những biểu tượng của giải quần vợt đang diễn ra ở Roland Garros.

Quay về đầy nhọc nhằn!

Cả 2 đều có quá trình quay trở lại sân đấu hoàn toàn khác nhau. Với Sharapova, là sau 15 tháng bị treo vợt vì sử dụng chất kích thích. Kể từ khi quay trở lại, cô chưa bao giờ tìm lại phong độ cao nhất, và cả tâm lý thoải mái, sự tự tin, dù rằng không còn nhiều người chỉ trích cô, nói nặng nói nhẹ về cô trong quá trình cô quay trở lại. Nhịp điệu thi đấu mới mẻ, niềm tin, chưa thể đồng hành cùng Sharapova suốt thời gian vừa qua.

Với Serena, đó lại là một câu chuyện khác. Quay trở lại sân đấu, sau khi trở thành “bà mẹ 1 con kiên cường”, có những thách thức, khó khăn khác hẳn hoàn toàn. Cô nặng nề hơn, cơ thể chậm chạp hơn, tâm lý cũng khác đi khi bị phân tâm bởi cô con gái ở ngoài sân đấu. Dù khoác lên mình bộ cánh “Báo đen” và muốn trở thành một siêu anh hùng, việc phải sắm vai siêu anh hùng cho chính con gái mình, mang lại cho Serena một cái nhìn khác hơn trên sân quần vợt.

Nhưng, không ai cấm họ quay trở lại. Sharapova từng có ý định giải nghệ, đến khi gặp sự cố doping, mới cố gắng quay trở lại thêm một lần nữa để chứng minh bản thân mình. Serena muốn săn danh hiệu Grand Slam thứ 24, để cân bằng với thành tích của “tiền bối” Margaret Court, cô cũng muốn con gái mình cảm thấy tự hào. Thế nên, dù biết là vô cùng nhọc nhằn, cả 2 đều hiểu, quyết định đã được đưa ra, và họ phải đi đến cùng với quyết định đấy, cho đến khi nào đạt được mục đích của chính mình.

Chấm dứt 14 năm “thương đau”?

Nhiều người cho rằng, dù cùng đại diện cho những thế lực “cổ xưa”, dù chia sẻ nhiều ngôi vô địch, và từng giáp mặt nhau 21 lần trong quá khứ, nhưng với việc Serena thắng 19/21 trận đấu, và có chuỗi thành tích toàn thắng trong suốt 14 năm trở lại đây (kể từ chiến thắng ở chung kết Australian Open 2005 cho đến nay), Sharapiva không xứng danh là “đại kình địch” của Serena, như những gì nhiều chuyên gia “sơn phết”.

Tuy vậy, có thể nói, đó là sự “khắc nhau” giữa Serena và Sharapova, ở trong quá khứ (như sự “khắc chế” mà Rafael Nadal có với Roger Federer, cũng gây ra sự tranh cãi trong suốt một thời gian dài), nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ “trải dài” đến ngày hôm nay, khi Sharapova đang có phong độ và nhịp điệu thi đấu ổn hơn hẳn so với đối phương. Biết đâu, đêm nay, “vật sẽ đổi, sao sẽ dời”.

Chính Serena cũng thừa nhận: “Nói một cách thẳng thắn, cô ấy mới là đối thủ chiếu trên trong trận đấu này”, Serena cho biết trước trận đấu vòng 4 đơn nữ Roland Garros 2018 được chú ý nhất, trận đấu dự kiến sẽ khai diễn trên sân Philippe-Chatrier vào lúc 20 giờ tối nay, thứ Hai 4-6, “Các bạn biết đó, cô ấy đã quay lại sân đấu suốt hơn 1 năm trời này. Còn tôi thì mới khởi đầu (Serena mới trải qua 7 trận đấu kể từ đầu mùa). Tôi mới sinh còn và vẫn đang trong quá trình tìm lại cảm giác, xem mình có thể tiến xa đến đâu. Đây là một cơ hội để trải nghiệm, kiểm tra khả năng của cơ thể và hy vọng tôi có thể tiếp tục tiến lên. Cô ấy và tôi cùng mới quay trở lại, nhưng theo những cách thức và cơ sở khác nhau, hoàn toàn mới mẻ và khác biệt”.

Dù có cơ hội châm dứt 14 năm “đau thương” bằng một chiến thắng, qua đó phá bỏ tâm lý “sợ Serena như sợ cọp”, Sharapova vẫn rất cẩn trọng: “Bất cứ khi nào ra sân chống lại Serena, bạn biết bạn đang phải đối mặt với điều gì. Tôi vẫn luôn chờ đợi giây phút được ra sân chống lại những tay vợt giỏi nhất thế giới. Để có thể bước ra sân đấu, đặt bản thân vào những tình thế như thế này, mong muốn những thách thức, trông chờ tiến lên chống lại cả Serena, tự bản thân cũng đã nói lên được giá trị”.

Serena không có vấn đề với cuốn Tự truyện của Sharapova

Trong cuốn tự truyện “Không thể chận đứng” của Sharapova, cô nàng người Nga dành một phần “câu chữ” không nhỏ để nói về Serena, ngoài việc, cô đã kể ra rằng cô và tay vợt người Mỹ “không thể làm bạn”, Sharapova còn tiết lộ khoảnh khác Serena khóc ròng ở trong phòng thay quần áo sau khi để thua ở chung kết Wimbledon 2004, trong đó có cả đoạn Serena tự nguyền rủa bản thân: “Sau này không được để thua con mắm người Nga nữa!”.

Serena không có vấn đề gì với tiết lộ này, cô không phủ nhận cũng không khẳng định: “Có nhiều tình tiết chỉ là đồn đại. Tôi đã khóc trong phòng thay đồ khá nhiều lần, sau mỗi kết quả thua. Đó cũng là những gì tôi thấy rất nhiều người trải qua. Đó là một trận chung kết Wimbledon, các bạn biết đó. Vì thế, đơn giản là, tôi nghĩ sẽ sốc hơn nếu tôi không rơi nước mắt. Dù sao, tôi nghĩ cuốn sách hoàn toàn 100% là lời đồn, ít nhất với những đoạn tôi đọc được hay những trích đoạn. Nhưng cũng có chút đáng thất vọng”.


Tin cùng chuyên mục