Federer cho biết trong một tiết lộ gần đây, rằng khi còn là một thiếu niên, anh thường không kiểm soát được cơn giận dữ của mình, từng tự làm đau bản thân và khiến gia đình phải thực hiện những biện pháp quyết liệt để ngăn anh vượt ra khỏi vòng kiểm soát tâm lý.
“Có một thời gian, tôi quăng quật cây vợt của mình rất nhiều và khi tôi mới 16 tuổi, thậm chí đã có lần tôi bị tống cổ khỏi khỏi sân đấu vì chuyện đó”, Federer tâm sự, “Đến tuổi 17, gia đình tôi đã quyết định gửi tôi đến khám bệnh với một bác sĩ tâm lý, bởi vì tôi quá giận dữ đến mất kiểm soát trên sân đấu. Kể từ thời điểm đó, sự phát triển của tôi mới trở nên ổn định”.
“Mỗi thời điểm khi tôi phải chịu áp lực, cho dù đó là những áp lực nặng nề như thế nào, tôi nhớ lại quá trình làm việc cật lực mà tôi từng trải qua để đạt được đến cái vị thế của chính tôi ngày hôm nay. Rồi sau khi trở thành tay vợt số 1 thế giới hồi năm 2004 (đó là lần đầu tiên Federer lên ngôi số 1 thế giới, vào ngày 2-2-2004, khi mới 23 tuổi, ngay sau khi anh đăng quang ngôi vô địch Australian Open – danh hiệu thứ 2 trong sự nghiệp của anh sau ngôi vô địch Wimbledon 2003, nhờ vào chiến thắng trước “quái kiệt Nga” Marat Safin sau 3 ván đấu ở trận chung kết), tôi thật sự đã cân nhắc đến chuyện… giải nghệ”, Federer kể lại.
“Ở thời điểm đó, tôi xem như đã hoàn thành những mục tiêu mà tôi đề ra, nhưng tôi cũng đã tự nhủ với bản thân mình rằng, tôi có thể tiếp tục thi đấu, bởi vì tôi không phải chứng minh bất kỳ thứ gì thêm nữa. Mọi thứ mà tôi gặt hái được kể từ thời điểm đó trở đi, đơn giản chỉ là phần thưởng tiếp theo. Mọi người có nói, tôi khóc quá nhiều sau mỗi chiến thắng, hoặc những thất bại (hình ảnh Federer khóc tức tưởi sau khi để thua Rafael Nadal ở chung kết Australian Open, có thời điểm đã trở thành nỗi ám ảnh của cả thế giới quần vợt). Có những người, thậm chí còn không cười khi họ chiến thắng, nhưng cũng có những người không dừng cười suốt một tuần lễ sau chiến thắng của mình”, Federer nói.
“Tôi là tuýp người sẵn sàng để lệ rơi. Tôi sẵn sàng rơi nước mắt là bởi vì tôi nhớ đã từng có HLV nói với tôi rằng, tôi sẽ là người chẳng đi đến đâu trong quần vợt. Trong những khoảnh khắc ấy, tôi nghĩ về biết bao hy sinh mà tôi phải trải qua để đi đến được chặng đường ngày hôm nay. Nhưng tôi phải thật sự cám ơn vị HLV đó, vì ông ấy đã mang lại cho tôi sự thôi thúc để tiến lên, đặc biệt trong năm đầu tiên của sự nghiệp”, Federe tâm sự.