Rèn quân cả năm, đá 1 tháng

1.

1. Số lượng phóng viên đến sân Thống Nhất đưa tin về lượt đi giải VĐQG bóng đá nữ đông hơn cả khán giả đến sân là một thực tế buồn cho bóng đá nữ Việt Nam. Điều này không mới nhưng vì VFF cứ duy trì một cách làm cũ nên để lại không ít sự cay đắng ngay trong lòng những cô gái đá bóng của chúng ta.

Rất thiệt thòi cho các cầu thủ nữ khi mỗi năm chỉ được thi đấu chừng 1 tháng, khoảng thời gian còn lại phải bươn chải việc khác. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Rất thiệt thòi cho các cầu thủ nữ khi mỗi năm chỉ được thi đấu chừng 1 tháng, khoảng thời gian còn lại phải bươn chải việc khác. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Việc đưa bóng đá nữ về sân Thống Nhất thi đấu được lý giải là để chuẩn bị cho vòng chung kết Asian Cup 2014 vào tháng 5 tới cũng diễn ra tại đây và là cơ hội để Việt Nam đoạt vé dự World Cup bóng đá nữ 2015. Lợi đâu chưa thấy, trước mắt nhìn khung cảnh đìu hiu của các trận đấu đã thấy có hại.

Suốt 8 năm qua, giải vô địch bóng đá nữ quốc gia chỉ có 6 đội và chức vô địch chỉ là cuộc đua của Hà Nội, TPHCM và phần nào đó là Than - Khoáng sản Việt Nam. Vì số lượng ít ỏi như vậy nên VFF cũng bế tắc trong việc tìm địa điểm thi đấu vì ngoại trừ khi đá ở Quảng Ninh hay Hà Tây thì còn có khán giả, những nơi như Hà Nội hay TPHCM thì luôn trong cảnh đìu hiu. Mà nếu không đưa về những nơi có đội bóng dự giải thì cũng chẳng địa phương nào khác nhận đăng cai tổ chức vì không có kinh phí trong bối cảnh giải vô địch quốc gia chỉ nhận được tài trợ ít ỏi vài trăm triệu đồng.

2. Tổ chức thi đấu đã khó, “nuôi” bóng đá nữ còn gian nan hơn. Dù có nhiều thành tích nhưng ngay như TPHCM cũng buộc phải cho giải thể đội tuyển nữ thành phố và giao lại cho quận 1 làm đại diện vì thiếu kinh phí đầu tư. 5 đội còn lại của giải thì hết 3 đội (Hà Nội 1, Hà Nội 2 và Phong Phú Hà Nam) đều có “gốc” từ Hà Nội. Ngành than “gánh” 2 đội còn lại là TNG Thái Nguyên và Than - Khoáng sản Việt Nam.

Các cầu thủ nhận lương cơ bản với mức đãi ngộ như công nhân và chỉ được tăng tiền bồi dưỡng khi tham gia giải. Khổ nỗi, dù luyện tập cả năm nhưng thời gian để thi đấu chỉ gói gọn trong vòng 1 tháng với 2 lượt đi - về. Các nữ cầu thủ buộc phải luyện tập trong điều kiện tối thiểu nhất, không đủ tiền để trang trải đời sống cá nhân, đa số phải xin đi làm thêm ngoài giờ để có tiền dôi dư gởi về gia đình và đợi đến ngày được thi đấu.

Đây là lý do mà khác với bóng đá nam, các cô gái đá bóng luôn khao khát được gọi vào đội tuyển quốc gia bởi chỉ có tại đội tuyển họ mới được tập luyện tốt hơn, đãi ngộ nhiều hơn và có cơ hội cải thiện thu nhập nhờ tiền thưởng khi thi đấu quốc tế.

Với tâm thế đó, chưa bao giờ người hâm mộ phải nghi ngờ về tinh thần thi đấu của các tuyển thủ quốc gia. Theo cựu tiền đạo Quả bóng vàng Việt Nam 2008 Đỗ Thị Ngọc Châm thì khi lên tuyển, đời sống của cô tăng gấp 3 lần, có được cơ hội để theo đuổi nghề đá bóng khi học thêm công tác huấn luyện.

3. Rất tiếc là đến nay, VFF chưa có giải pháp nào để nâng chất cho bóng đá nữ. Dù có cơ hội để dự World Cup nhưng chính các tuyển thủ nữ cũng thừa nhận, chất lượng của đội tuyển kém hơn nhiều thế hệ cách đây 5 năm do thời gian gần đây, ngày càng ít cô gái theo đuổi nghiệp “quần đùi áo số” do cuộc sống quá khó khăn.

Với số lượng CLB ít ỏi, việc duy trì giải vô địch quốc gia đá trong vòng 1 tháng là không hiệu quả. Tại Nhật Bản, người ta yêu cầu các CLB bóng đá nam phải có trách nhiệm phát triển một đội nữ cùng tên để nuôi dưỡng phong trào. Còn nếu không thể hình thành các đội nữ như vậy thì cách tốt nhất là tập trung đội tuyển thường xuyên theo kiểu “nuôi gà chọi”. Để tình trạng không còn ai muốn làm bóng đá nữ khi phải “nuôi cả năm, đá 1 tháng” tốn kém thế này thì không thể nhìn thấy tương lai cho các cô gái đá bóng.

ĐĂNG LINH

Tin cùng chuyên mục