Chúng ta hãy bắt đầu từ giải thưởng dành cho nam. Với sự xuất hiện của 3 Quả bóng vàng ở 3 kỳ trao giải gần nhất trong tốp 5, có thể lần đầu tiên kể từ năm 2009, sẽ có một Quả bóng vàng “tái cử”.
Ngoài trường hợp của Phạm Thành Lương đã 4 lần đoạt Quả bóng vàng từ năm 2009 đến nay, vẫn chưa có ai 2 lần đăng quang. Nếu Nguyễn Hoàng Đức thắng giải, anh sẽ là trường hợp đầu tiên từ sau Lê Công Vinh (2006, 2007) đoạt danh hiệu 2 kỳ liên tiếp.
Còn nếu danh hiệu thuộc về Nguyễn Văn Quyết, đây là lần duy nhất trong lịch sử mà một cầu thủ 2 lần đăng quang khi đã ngoài tuổi 30. Sự có mặt của thủ thành Đặng Văn Lâm mang đến một chi tiết thú vị khác, là có thể có thủ thành thứ 3 đoạt Quả bóng vàng sau Võ Văn Hạnh (2001) và Dương Hồng Sơn (2008).
Đây có lẽ là điều đặc biệt nhất trong lịch sử bóng đá thế giới vì thông thường, thủ môn luôn là người thiệt thòi nhất ở các giải thưởng tôn vinh cá nhân. Đó là chưa nói, Đặng Văn Lâm sẽ trở thành người mang 2 quốc tịch đầu tiên thắng giải. Trong lịch sử, chỉ có trường hợp duy nhất thuộc về Huỳnh Kesley khi anh giành Quả bóng đồng năm 2011.
Với giải thưởng dành cho nữ, Huỳnh Như đang đứng trước cơ hội trở thành cầu thủ đầu tiên đoạt Quả bóng vàng khi đang chơi bóng ở nước ngoài, vốn có nhiều thiệt thòi so với những đồng nghiệp trong nước. Đó là chưa kể, cô sẽ có thể là người đầu tiên thắng 4 kỳ trao giải liên tiếp. Chưa từng có ai đạt được thành tích này trong tất cả các hạng mục, dù có nhiều cầu thủ từng 2 lần liên tiếp chiến thắng.
Sự trở lại của các hạng mục cầu thủ trẻ, cầu thủ nước ngoài sau 1 năm gián đoạn cũng tạo ra chi tiết thú vị. Ở hạng mục của cầu thủ trẻ xuất sắc, ứng viên nặng ký nhất là Nguyễn Phi Hoàng hiện đang khoác áo SHB Đà Nẵng. Nếu tiền vệ 19 tuổi này chiến thắng, đây cũng là trường hợp thú vị vì Phi Hoàng còn không “có cửa” lên tuyển U23 Việt Nam so với 2 đàn anh cạnh tranh danh hiệu là Khuất Văn Khang và Phan Tuấn Tài.
Như vậy, nếu thắng giải, Phi Hoàng sẽ là tuyển thủ U19 quốc gia duy nhất từng làm được điều này, vì tất cả những người từng thắng giải “cầu thủ trẻ xuất sắc” đều là tuyển thủ U23 ở thời điểm bầu chọn.
Câu chuyện của tiền đạo Rimario, ứng viên nặng ký ở hạng mục cầu thủ nước ngoài cũng đáng chú ý không kém nếu như anh thắng giải. Đến Việt Nam năm 2018, đến nay Rimario đã khoác áo tổng cộng 5 CLB, ghi được 52 bàn, trong đó có 2 lần đoạt giải Vua phá lưới (2020, 2022), nhưng lại chưa từng vô địch V-League và tất nhiên, cũng chưa lần nào đăng quang tại Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam.
Một điều khá thú vị là các cầu thủ nước ngoài từng thắng giải phần lớn đến từ Nam Mỹ hoặc châu Phi, trong khi đó Rimario là người Jamaica, một quốc gia Trung Mỹ.
*Nhà tài trợ chính của Giải thưởng tiếp tục là Công ty TNHH Thương mại Thái Sơn Nam. Giải thưởng cũng nhận được sự đồng hành của các nhà đồng tài trợ: Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC, Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sun Group, Trường Đại học Văn Hiến, Tập đoàn Bất động sản Nam Long, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát, Công ty CP Phân bón Bình Điền, Công ty Cổ phần Bất động sản Seaholdings, Vietnam Airlines "Nhà tài trợ vận chuyển chính thức", Trần Anh Group, Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Himlam Land), Khách sạn Bến Thành (Rex Hotel Saigon), Công ty TNHH Truyền thông Chân Trời (Horizon), Công ty CP Thiết bị điện và Xây dựng công nghiệp Việt Nam (ICO), Công ty TNHH Thép thông minh toàn cầu (GB STEEL), Công ty Cổ phần Thực phẩm Nutifood, Công ty MASU Việt Nam, Trung tâm Vận động Trị liệu và phục hồi chấn thương thể thao - RTD Rehab…