Nghe nói là sẽ có một cuộc “mổ xẻ” về thất bại của đội U22 tại vòng loại châu Á. Tuy nhiên, từ “mổ xẻ” thật ra là của báo giới chứ với VFF, nhiều lắm cũng chỉ là “tổng kết rút kinh nghiệm”. Bởi người ta chỉ “mổ xẻ” một cái gì đó rất tồi tệ chứ chiến dịch vòng loại U22 thật ra có cái cột mốc nào đâu mà biết là thất bại hay thành công.
Thật thế. Phải đánh giá được thành tích như thế nào thì mới có thể họp. Đằng này, chắc gì với VFF, thành tích của thầy trò ông Lư Đình Tuấn đã là thất bại đâu. Nếu như trong kế hoạch của VFF, việc tham gia “cho có” thì đâu có đánh giá làm gì. Mà đã không đánh giá thì cũng chẳng có chuyện thất bại hay thành công ở đây.
Ngay như chuyện tại SEA Games 26, đối với nhiều người tại VFF, vẫn xem đấy là một chiến dịch không hề thất bại. Lọt vào bán kết, không thành công thì thôi, sao là thất bại được. Chính vì thế mà họ đã quyết giữ ông F.Goetz để rồi trước sức ép dư luận, phải sa thải ông này dù một mực vẫn cho rằng chúng ta không hề thất bại tại Indonesia. Trong khi đó, đánh giá chung của mọi người thì cho rằng, ông Goetz không có lỗi nhiều nhưng SEA Games 26 chắc chắn là thất bại. Lỗi đâu hoàn toàn thuộc về HLV người Đức.
Tầm cỡ như SEA Games 26 mà còn không xem là thất bại thì việc U22 thua tan tác ở một giải châu Á đương nhiên chẳng có chuyện gì lớn lao.
***
Báo giới thì quan tâm nhiều đến U22 chứ nếu có hỏi người hâm mộ, chắc gì mấy ai để ý về đội bóng của ông Lư Đình Tuấn. Đơn giản là đã từ lâu, thất bại là cái gì đó quá đỗi quen thuộc tại Việt Nam. Chẳng qua là vì những nhà quản lý ít khi nào chấp nhận thất bại nên cứ phải đón nhận những… thất bại khác. Từ AFF Cup 2008 đến nay, bóng đá Việt Nam đang ở phần đi xuống của một biểu đồ hình sin. Đấy là sự thật nhưng đáng tiếc, việc chấp nhận nó mất quá nhiều thời gian.
Vì không chịu chấp nhận nên điều mà VFF đang loay hoay là đi tìm một ông HLV. Tìm cho bằng được nên suốt cả một thời gian dài, đội tuyển quốc gia chả tập trung thi đấu gì cả nếu không có 3 trận giao hữu mang tính ngoại giao vừa qua. Cách chúng ta đang tìm HLV cứ như thể không có ông này thì chẳng thể nào có đội tuyển vậy. Bóng đá Việt Nam khác biệt là ở chỗ đó.
Trong khi đó, nếu chúng ta nhìn nhận kỹ lưỡng thất bại tại SEA Games 26 thì lẽ ra, việc cần làm là tái cấu trúc hệ thống đội tuyển quốc gia bắt đầu từ việc tìm ra Giám đốc kỹ thuật hoặc nâng cao vai trò của Hội đồng HLV, tiếp đến là kế hoạch thi đấu để rèn luyện kinh nghiệm và cuối cùng mới là tìm HLV trưởng.
***
Đến hôm qua, có tin ông Phan Thanh Hùng được chọn làm HLV trưởng rồi. Nghe thì biết thế thôi, chúc mừng ông Hùng thế thôi chứ kỳ thực, chẳng mấy ai vui cả. Ai mà chẳng biết, không ông Hùng thì còn ai vào đây!
Thế đấy, tự dưng chúng ta đẩy mình đến chỗ phải chọn HLV nội. Kế đến lại đẩy thẳng vào ngõ cụt: chỉ có 1 người để chọn. Chọn xong, lại quay ngược làm lại các chu trình là tìm nhân sự, lên kế hoạch.
Ông Phan Thanh Hùng là một người giỏi, hơn thế, còn là người dũng cảm dám làm, dám chịu. Tuy nhiên, đội tuyển quốc gia đâu phải là của ông Hùng. Việc ông tận lực mà không thành công thì không thể trách ông được. Kỳ thực, với cách đánh giá và thực hiện như kiểu bóng đá Việt Nam đang tiến thành, khó mà đạt thành công!
Thôi thì cũng may là người hâm mộ Việt Nam cũng đã quen với cụm từ “thất bại” lâu rồi. Thêm vài lần nữa chắc cũng chẳng sao.
Hồ Việt