Họ là một cặp đấu kỳ lạ, một mối quan hệ tương đối bí ẩn. Có những lúc, tưởng chừng họ thân nhau đến mức sẵn sàng chia sẻ điểm số. Lại có khi, họ đá “sống chết” trên sân như thể đó là trận… cuối cùng của mình. Vì vậy, mỗi lần lên Pleiku là mỗi lần B.Bình Dương đem theo biết bao tâm trạng.
Lần này, cả hai đang trong một thời điểm nhạy cảm. 1 điểm đầy may mắn trước V.Ninh Bình cho thấy B.Bình Dương như một chiếc bình gốm cao cấp, nhưng dễ vỡ. Có vẻ như chỉ cần một biến cố không tốt nào đó, đội bóng này sẽ có chuyện ngay. Đáng ngạc nhiên khi chính B.Bình Dương là đội ổn định lực lượng sớm nhất, chuẩn bị tốt nhất, và cũng có ít biến động nhân sự nhất.
Vậy mà vẫn cứ là nơi… mong manh nhất! Thì đấy, như mọi lần, câu chuyện đầu tiên về B.Bình Dương lại liên quan đến ông HLV. Mới đá kém một chút, người ta lại nói đến số phận của ông Ricardo không biết qua được “mấy nốt nhạc”. Chẳng đâu lạ như đội bóng đất Thủ, cứ bất ổn về thành tích thì chung qui cứ nhắm vào ông HLV. Bao nhiêu năm qua, chỉ mỗi ông Lê Thụy Hải là “bước qua được lời nguyền” mà thôi.
Tâm trạng như thế mà lên phố núi lúc này, có vẻ nguy hiểm quá!
Nhưng dẫu sao, B.Bình Dương vẫn có người đồng điệu, chẳng ai khác, đó chính là… chủ nhà Hoàng Anh Gia Lai. Có cái gì đó giữa 2 đội bóng giống nhau một cách kỳ lạ. Ở đâu không biết, tại 2 đội bóng “nhà giàu” này, HLV luôn là người được tính đến cuối cùng, nhưng lại luôn ra đi đầu tiên. Họ đều là những nơi “hút” cầu thủ nhiều nhất, và tần suất thay đổi HLV cao nhất. Chúng tôi dùng từ “thay đổi” là bởi vì có những người được dùng đi, dùng lại đôi lần, nhưng rốt cục cái vị trí thuyền trưởng vẫn cứ thiếu ổn định!
Quay lại với trận đấu. Phố núi bây giờ không còn cao vòi vọi như trước nữa, dù năm nay bầu Đức tỏ vẻ quyết tâm. Trận thua SHB Đà Nẵng cho thấy: Hoàng Anh Gia Lai khá bình thường về trình độ, cho dù họ “đổ lỗi” cho trọng tài thì sự thật là SHB Đà Nẵng vẫn xứng đáng thắng hơn. Công nhận là đội bóng phố núi có nỗ lực, rất muốn chứng tỏ chất “đại gia”, nhưng với một đội hình có độ vênh ở các vị trí, hay sự đơn điệu về mặt chiến thuật thì thua SHB Đà Nẵng 1-2 là… được rồi!
Nói như vậy không phải đánh giá thấp Hoàng Anh Gia Lai, nhưng thực sự là nếu HLV Dusit muốn làm một cái gì đó tặng bầu Đức trong mùa này thì anh phải thực tế hơn. Hoàng Anh Gia Lai bây giờ sẽ thành công nếu đá rình rập, chứ chơi đôi công thì chẳng đủ sức. Cái thời mà Gỗ “chấp” đối phương cả hàng phòng ngự qua lâu rồi. Một hậu vệ như Dusit, tốt nhất là xây dựng đội hình bắt đầu từ tuyến sau. Nếu Dusit làm được điều đó, chắc sẽ không có chuyện phản ứng trọng tài như vòng vừa qua.
Vì thế, dù không ai nói Hoàng Anh Gia Lai yếu, nhưng “phố núi đã không còn cao” như trước. Họ thiếu một nhạc trưởng giữa sân, thiếu cả thủ lĩnh nơi hàng phòng ngự. Những tấm chân tình của Văn Trương, Văn Nhiên hay Việt Cường… không nâng cả đội hình lên một tầm cao nhanh chóng được. Nếu ngày trước, Gỗ là “đội bóng 5 sao”, thì bây giờ, chất lượng ấy chỉ chừng 3,5 sao sẽ là thực tế hơn!
Nếu Dusit biết (và hy vọng bầu Đức cũng biết) thì Hoàng Anh Gia Lai sẽ nguy hiểm hơn trong cuộc đối đầu với B.Bình Dương. Giữa 2 đội bóng, chúng tôi tin Hoàng Anh Gia Lai “tự hạ sao” xuống sẽ dễ hơn B.Bình Dương nhiều. Đội bóng phố núi nếu có khiêm tốn một chút thì vẫn sẽ có nhiều người thông cảm, chứ B.Bình Dương lại luôn bị một áp lực là phải “bắt người khác ngước nhìn”.
Ông Ricardo khó mà hiểu B.Bình Dương như Dusit hiểu Hoàng Anh Gia Lai, nên trước sau gì ông thầy người Bồ này cũng phải dốc hết những gì mình có để tìm một kết quả tốt trên sân Pleiku. Khổ! Tuy nhiên, B.Bình Dương bây giờ có vét sạch túi cũng chỉ mạnh ở một khu vực nào đó, chứ nhìn chung, cả đội hình của họ không đồng đều và tỏa sáng như những ngôi sao Leandro, Philani… Nên tình trạng của Bình Dương có khác gì Gỗ đâu.
Hai mãnh hổ gặp nhau trên núi. “Phố núi không cao”, trận đấu chẳng còn nóng như trước, đã thế còn mờ sương, thứ sương mù mang nhiều ảo ảnh mà có lẽ cả 2 đội bóng lừng danh này vẫn chưa thoát ra khỏi cái cảnh tù mù ấy vì những gánh nặng của quá khứ.
HỒ VIỆT