Chuyện một tài năng đặc biệt như Ánh Viên sở hữu vô số huy chương không có gì đáng nói, nhưng vấn đề là sau gần 10 năm tung hoành trên đường bơi, khi sức lực và phong độ hiện tại của Ánh Viên không còn đủ khả năng để phá các kỷ lục quốc gia ở các nội dung tốc độ trên đường đua xanh, thì dường như bơi lội nữ Việt Nam vẫn chưa có thêm một tài năng nào khác.
Tất nhiên đó là chuyện không hề dễ dàng. Nếu năm 1985, Nguyễn Kiều Oanh mới lập kỷ lục 100m bướm và 200m bướm rồi sau đó tự phá kỷ lục của chính mình thì phải đến tận năm 2014 mới có người thứ 2 là Ánh Viên phá kỷ lục. Hoặc như kỷ lục 50m bướm của Kiều Oanh lập năm 1993 thì 16 năm sau, Nguyễn Thị Kim Tuyến xô đổ vào năm 2009 và đến năm 2015, Phương Trâm mới thiết lập kỷ lục mới.
Nhưng không thể so sánh các thành tích bơi trong quá khứ với hiện tại, bởi những VĐV hiện nay có điều kiện tập luyện tốt cả về cơ sở vật chất và khoa học - công nghệ. Cơ hội phá kỷ lục hay vượt qua những đàn anh, đàn chị thường dễ dàng hơn. Vậy nhưng, người từng thành công trong việc phá các kỷ lục của Ánh Viên lại là Võ Thị Mỹ Thảo (Bình Phước), hiện đã 24 tuổi, có xuất phát điểm ở môn bơi cùng với Ánh Viên. Với cái đà này, dù không còn thống trị các đường bơi Đông Nam Á thì những cuộc thi bơi ở tầm quốc gia, có lẽ Ánh Viên vẫn “gặt hái” huy chương đều đặn.
Nên khi nhìn ở góc độ rộng hơn, việc Ánh Viên thống trị đường đua nữ là một tín hiệu không mấy lạc quan cho bơi lội Việt Nam, qua đó cũng ảnh hưởng đến thành tích chung của thể thao nước nhà. Kể từ sau chiếc HCV lịch sử của bơi Việt Nam tại SEA Games 2005 do kình ngư Nguyễn Hữu Việt thực hiện, thì đến nay, 3/4 số huy chương bơi tại các kỳ SEA Games đều do Ánh Viên mang về. Nghĩa là nếu Ánh Viên không còn sung sức, xem như bơi Việt Nam quay về với gần 20 năm trước về mặt thành tích, chứ chưa nói đến việc tạo ra những thành công khác trên đường đua xanh.