Phía sau hào quang

Sau trận hòa với Viettel trên sân Hàng Đẫy, HLV Chu Đình Nghiêm của CLB Hà Nội thú nhận, đội của ông chỉ còn 13 cầu thủ có thể chơi đúng sức. Danh sách chấn thương của nhà vô địch V-League hiện đã lên con số 7, trong đó có 5 trụ cột.

Hà Nội là đội bóng luôn ở trong tình trạng thừa người nhờ hệ thống tuyến trẻ khá đầy đặn. Một đội trẻ của họ từng thăng hạng V-League cách đây 5 năm, hiện là đội Sài Gòn FC; một đội trẻ khác là Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Lứa mới nhất của họ chuyển giao cho Phú Thọ, thi đấu ở giải hạng nhì. Nhưng dù đã đưa nhiều cầu thủ trẻ lên V-League, thì “nhà giàu vẫn khóc”, Hà Nội đang sa sút vì thiếu lực lượng. Sau 8 vòng đấu và chỉ có 11 điểm, nhà vô địch có khả năng rơi xuống nhóm 6 đội trụ hạng vào cuối giai đoạn lượt đi nếu không cải thiện được thành tích.

Nhưng với những người am hiểu thì đây là một sự việc đã nhìn thấy từ trước. Các chấn thương dài hạn của Duy Mạnh, Quang Hải, Đình Trọng… là không thể tránh khỏi khi họ đã bị vắt kiệt sức suốt 2 năm qua. Ví dụ như trung vệ Đình Trọng, 2 lần phải trở lại sớm dù chưa hoàn toàn bình phục và kết quả là chấn thương tái phát ngay lập tức, với tình trạng nặng hơn. Quang Hải đã chấn thương ở SEA Games 30, bây giờ chấn thương tiếp, nếu không dành thời gian để chữa trị thì khả năng tái phát rất cao. Những cầu thủ của Hà Nội đang đi đúng vào vết xe đổ của nhóm cầu thủ đến từ HA.GL. Tiền vệ Tuấn Anh 3 lần phẫu thuật, từ năm 20 tuổi đến năm 24 tuổi, mất gần 2 năm trời để chữa trị. Những Vũ Văn Thanh, Lương Xuân Trường cũng mất gần một năm, hiện đã trở lại thi đấu nhưng chưa biết khi nào lấy lại được phong độ cũ.

Các chấn thương của những cầu thủ trẻ đều có liên quan đến dây chằng, hậu quả của quá trình vận động nhiều nhưng thời gian hồi phục ít. Ở lúc đỉnh điểm, họ đều chơi từ 45-50 trận/năm trong màu áo CLB và đội tuyển. Với thể chất của người Việt Nam, đấy là cường độ thi đấu khủng khiếp. Đã thế, hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi như các cầu thủ bên châu Âu. Không thi đấu thì vẫn phải đi tập huấn, đóng quảng cáo, tham gia công tác xã hội… Nhìn chung, không có ai điều chỉnh nhịp điệu sinh hoạt giúp họ.

Công bằng mà nói, cầu thủ mất mát nhiều nhất. Khi Phan Văn Đức, Lương Xuân Trường, Vũ Văn Thanh, Tuấn Anh chấn thương suốt năm… ở đội tuyển quốc gia vẫn có người thay thế, và tại CLB cũng vậy. Tổn thất đối với tập thể là có, nhưng không quá nghiêm trọng. Nhưng với cầu thủ, chỉ cần chữa thương 1 năm, thì phải mất thêm ít nhất 1 năm nữa mới có thể trở lại đỉnh cao. Câu chuyện chia tay sự nghiệp sớm vì chấn thương của Trần Minh Chiến 20 năm trước vẫn còn nguyên giá trị. Thế nên, bên cạnh việc tận dụng tài năng của các cầu thủ, chính những người có trách nhiệm cũng cần phải có cái nhìn cảm thông hơn về sự nghiệp và áp lực mà cầu thủ phải chịu mỗi lần ra sân hay lên tuyển tập trung.

Tin cùng chuyên mục