Pháp - Bỉ: Điểm giới hạn của Didier Deschamps?

Với việc chỉ xếp thứ 2 tại vòng bảng, Pháp và Bỉ đã có cơ duyên đối đầu nhau sớm ngay từ vòng knock-out đầu tiên, biến đây trở thành trận cầu tâm điểm của vòng 16 đội. Cả 2 đều trình diễn một bộ mặt thiếu thuyết phục qua 3 trận đã đấu, và với Pháp, người ta phải đặt ra câu hỏi liệu HLV Didier Deschamps đã “hết phép”.

Bỉ đã từng ôm hận trước Pháp tại bán kết World Cup 2018. Ảnh: The Statesman
Bỉ đã từng ôm hận trước Pháp tại bán kết World Cup 2018. Ảnh: The Statesman

“Hoặc là bạn chết như 1 người anh hùng, hoặc bạn sẽ sống đủ lâu để thấy bản thân trở thành kẻ phản diện” - đó là câu thoại kinh điển của nhân vật Harvey Dent trong phim “The Dark Knight” mà bất kể khán giả yêu thích dòng phim siêu anh hùng nào cũng phải biết. Với đội tuyển Pháp, trong suốt 10 năm qua, Didier Deschamps không khác nào một “siêu anh hùng”. Ông đưa một Les Bleus sau “nỗi ô nhục đồi Knysna” của Raymond Domenech và sau đó là sự thất vọng tại Euro 2012 dưới thời Laurent Blanc đi vào quy củ. Để rồi sau 5 giải đấu lớn (chưa tính Euro 2024), đội tuyển Pháp của Deschamps vào chung kết tới 3 lần, trong đó đỉnh cao là chức vô địch World Cup 2018 trên đất Nga.

Thế nhưng phàm trên đời, chẳng có gì chống lại được thời gian. Sự thành công là một trong số đó. Dù có tài giỏi đến mấy, có vĩ đại cỡ nào thì Deschamps cũng chẳng thể tự quả quyết ông sẽ thành công mãi trên cương vị HLV trưởng tuyển Pháp. Đã hơn 10 năm ngồi ghế thuyền trưởng Les Bleus, người ta muốn biết đâu sẽ là giới hạn của ông. Hay nói cách khác, đến khi nào thì Deschamps tự biến bản thân trở thành “kẻ phản diện” như câu nói trên của Harvey Dent.

Thực ra thì trong mắt nhiều người, Deschamps đã là kẻ phản diện rồi. Đó có thể là Karim Benzema, người gần như luôn bị ông ngó lơ dù tài năng có thừa. Đó là cả những ai ủng hộ Zinedine Zidane lên nắm quyền tại tuyển Pháp. Nhưng dẫu sao, đó vẫn là cái nhìn của người ngoài. Còn tại Euro này, nguy hiểm cho Deschamps khi sau vòng bảng, đã có những thông tin cho rằng chính các học trò đã mâu thuẫn với ông. Cũng không hẳn là trong nội bộ đội tuyển Pháp chưa từng có chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, nhưng lần này mọi thứ có lẽ đang dần tới giới hạn chịu đựng. Griezmann bất mãn vì không được đá chính ở trận cuối vòng bảng với Ba Lan. Camavinga cũng có những lời qua tiếng lại, còn tờ L’Equipe thì nói rằng Deschamps lần này là người làm chia rẽ nội bộ tuyển Pháp.

z5588436952015_4382dbbc70fb080b5e9d6b787b53b22c.jpg
Deschamps đang bị cho là người gây ra mâu thuẫn với các học trò. Ảnh: MadeinFoot

Tất nhiên, ở một đất nước phức tạp về chính trị - xã hội như Pháp, các thông tin được giới báo chí đưa ra đều rất có ý đồ. Và những ai yêu mến Pháp đều mong chuyện không tới mức như vậy, hoặc đó chỉ là “tung hỏa mù”. Bởi đội tuyển Bỉ - đối thủ của Pháp trong trận đấu sắp tới xem ra cũng chẳng hề đơn giản.

Trong lần đầu tiên dẫn dắt Bỉ ở một giải đấu lớn - Domenico Tedesco cho thấy mình vẫn còn nhiều thứ cần cải thiện. Nó khác với Deschamps khi HLV của Pháp thì đã lên tới đỉnh cao và đang ở trong những năm tháng cuối cùng triều đại của mình. Cái cần cải thiện của Tedesco có lẽ là sự nhất quán trong cách chơi. Bởi nếu muốn giúp Bỉ trở thành một ông lớn thật sự, Tedesco phải áp đặt được một phong cách mang bản sắc rõ ràng. 3 trận đấu đã qua không cho thấy điều đó. Sau thất bại bất ngờ ngày ra quân, Tedesco đã có những điều chỉnh rất hợp lý và Bỉ thắng Romania thuyết phục trong ngày hàng công chơi hiệu quả thấy rõ.

Nhưng trận đấu ở lượt cuối gặp Ukraine lại là nỗi thất vọng lớn. Ở thế cân bằng với cả 3 đối thủ còn lại trong bảng, tức là có nguy cơ bị loại bất cứ lúc nào nếu phải nhận dù chỉ 1 bàn thua, nhưng có vẻ như Bỉ không muốn tấn công để thắng. Ngoài phút 80, đội trưởng Kevin De Bruyne đã chỉ đạo các đồng đội giữ bóng câu giờ, khiến các cổ động viên Bỉ trên sân nổi giận.

Screenshot (128).png
Domenico Tedesco có trong tay những quân bài đủ sức gây khó khăn cho Pháp. Ảnh: UEFA

Tuy nhiên, biết đâu được cái cách chơi “trận nào biết trận đó” ấy của Bỉ lại phát huy tác dụng trong một cuộc đại chiến cụ thể như trận gặp Pháp sắp tới. Rõ ràng Pháp vẫn được đánh giá cao hơn. Chất lượng con người không phải mối lo của Les Bleus, cái họ cần bây giờ là nội bộ ổn định và Mbappe cùng các đồng đội tìm lại được cảm hứng thi đấu. Nhưng Bỉ cũng chẳng việc gì phải sợ Pháp. Năng lượng dồi dào ở giữa sân của Onana, khả năng chuyền bóng siêu hạng của De Bruyne, sức càn lướt của Lukaku, tốc độ xé gió của Doku hay những cú sút xa búa bổ của Tielemans đều là các món vũ khí hoàn toàn có thể gây sát thương cho Pháp nếu được mài sắc đồng thời ra đòn đúng lúc, đặc biệt là trong một thế trận phòng ngự phản công.

Didier Deschamps hơn Domenico Tedesco tới 17 tuổi - đó là khoảng cách của cả một thế hệ. Họ trái ngược nhau hoàn toàn khi một người đã quá vĩ đại, còn một người mới chỉ đang khẳng định mình. Duyên nợ World Cup 2018 vẫn còn đó, khi Deschamps cùng các học trò loại thế hệ đẹp nhất của Bỉ tại bán kết trên đường tiến đến ngôi vương. Và bây giờ hãy cùng xem liệu De Bruyne và các đồng đội đã có mặt tại thất bại năm đó như Lukaku, Vertonghen có thể đòi nợ thành công. Didier - Domenico, 2 con người ở trong tình cảnh đối lập nhau nhưng đều có cái tên bắt đầu bằng chữ “D”. Và chỉ một người được ở lại nước Đức sau trận đấu vào lúc 23 giờ ngày 1-7 (theo giờ Việt Nam).

Tin cùng chuyên mục