Petrovietnam Gas V-League 2010: VFF, đã đến lúc phải lên tiếng!

Petrovietnam Gas V-League 2010: VFF, đã đến lúc phải lên tiếng!

Có vẻ như không chỉ các đội bóng mới cần tới quãng nghỉ giữa giai đoạn để chỉnh đốn lại mình. Tiếng kêu than của các đội bóng về công tác điều hành của những “tổ hợp” do chính VFF gây dựng như trọng tài, giám sát, ban kỷ luật… đang ngày càng nhiều và càng thảm thiết hơn. Người ta tin rằng, VFF cũng cần đến quãng nghỉ này để nhìn lại chính mình, và “vá” những lỗ hổng trong công tác tổ chức. Vấn đề là VFF có dám nhìn vào sự thật hay lại là những lời tự khen nhau như bao nhiêu lần khác?

  • Trọng tài, xin đừng quanh co
Chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc gia Nguyễn Văn Mùi cho rằng các đội bóng, HLV và cầu thủ Việt Nam không chuyên nghiệp khi phản ứng trọng tài, nhưng cần phải nhìn lại việc tại sao các trọng tài Việt Nam lại bị phản ứng dữ đội như thế?

Chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc gia Nguyễn Văn Mùi cho rằng các đội bóng, HLV và cầu thủ Việt Nam không chuyên nghiệp khi phản ứng trọng tài, nhưng cần phải nhìn lại việc tại sao các trọng tài Việt Nam lại bị phản ứng dữ đội như thế?

Trong cuộc giao lưu trực tuyến mới đây, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã gặp lại một câu hỏi mà người ta đã từng đặt ra với ông trước đây là liệu có nên mời trọng tài nước ngoài đến Việt Nam để điều khiển những trận đấu có tính chất quan trọng hay không? Và câu trả lời của ông Hỷ vẫn như mọi lần là sẽ không mời.

Tất nhiên, người ta có thể tán đồng với ý kiến của ông Hỷ, bởi tinh thần tự hào dân tộc và cả việc mời trọng tài nước ngoài đến Việt Nam làm việc thì khác nào VFF thừa nhận một nền bóng đá phát triển không toàn diện. Thế nhưng, câu hỏi ấy đã nêu lên một thực trạng có thật rằng, ở bóng đá Việt Nam, trọng tài vẫn chưa phát triển tương xứng và không nhận được sự tin cậy nhiều, không chỉ từ đội bóng mà cả người hâm mộ!

Chuyện trọng tài bị các đội bóng, cầu thủ phản ứng ngày càng nhiều và được ông Nguyễn Văn Mùi - Chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc gia - đánh giá rằng, vì mọi người cứ hay nghĩ sai cho trọng tài nên mới làm thế, chứ với trọng tài nước ngoài sao chả ai phản ứng.

Điều ông Mùi nói có phần đúng với những gì đang diễn ra ở bề nổi, nhưng chưa chuẩn với thực chất của vấn đề. Việc các đội bóng khi phản ứng trọng tài đâu phải lúc nào cũng sai, bằng chứng là dẫu ông Mùi và Hội đồng của ông có xử kín các trọng tài của mình, nhưng người ta vẫn thường xuyên biết rằng: họ bị treo còi vài trận đấy thôi! Và người ta tin rằng, không phải tất cả những khán giả đều vô cớ đổ tội cho trọng tài, không phải ai trong số những khán giả phản ứng kia đều có khả năng biến trắng thành đen. Sân Cao Lãnh khán giả nổi nóng với trọng tài Trọng Thư là vô cớ ư? Hàng trăm khán giả Bình Dương lặn lội xuống tận sân Cao Lãnh chỉ trích trọng tài là vô cớ ư?

Điệp khúc trọng tài chúng ta chưa phát triển tốt vì “sự cố” tiêu cực nghe mãi đã thành nhàm, bởi chuyện ấy đã diễn ra lâu lắm rồi, và chẳng lẽ cứ vì như thế mà cả nền bóng đá phải chờ. Điều đáng nói là người ta không còn tin rằng, suốt một thời gian dài như thế mà các trọng tài chúng ta không thể “lớn”. Người ta chỉ có thể nghĩ rằng: nó nằm ở tư tưởng, và muốn chữa bệnh tư tưởng, chỉ một cách duy nhất là phải biết thừa nhận mình sai, phải thể hiện sự công minh. Tuy nhiên, điều này khó có thể trông cậy vào các thành viên của Hội đồng trọng tài - những người mà người ta luôn nghĩ rằng đó luôn là “ê kíp của nhau”. Thế nên, người ta cần sự chỉnh đốn từ chính những quan chức VFF, những người đang được giao quyền điều hành và chịu trách nhiệm cho sự phát triển của một nền bóng đá, chứ không chỉ là sự an toàn của V-League!

  • Những cánh tay nối dài và hiện tượng bắt tay

Một điều nữa mà người ta chờ VFF siết lại kỹ hơn, đó là việc những “cánh tay nối dài” của họ, những giám sát đang ngày càng bị giảm sút niềm tin từ chính các đội bóng và cầu thủ.

Trong tất cả những phán quyết mới đây của Tiểu ban kỷ luật, câu nói quen thuộc “án tại hồ sơ” đã nói lên tầm quan trọng của các giám sát viên. Thế nhưng tính đến thời điểm này, sau lần ông Bùi Như Đức “đột ngột” phê trọng tài Nguyễn Trọng Thư không hoàn thành nhiệm vụ, để rồi sau đó “trở cờ” tự nhận mình sai, thì người ta chưa từng thấy ông giám sát nào có những lời phê sắc bén dám đụng chạm đến trọng tài hay BTC sân. Thậm chí, ở trận đấu giữa XM Hải Phòng - Hà Nội T&T, người ta còn ngã ngửa khi hay rằng ông Nguyễn Trọng Giáp - giám sát trận đấu ấy đã phê trận đấu “bình thường”, thậm chí còn khen ngợi BTC sân.

Cũng mới đây, ông giám sát trên sân Thiên Trường thậm chí còn không có một dòng nào vào biên bản chuyện BTC sân đã làm gì với phóng viên Duy Bùi, để rồi Ban kỷ luật vin vào đó mà cho rằng chẳng có cớ gì để phạt hay nhắc nhở BTC sân Thiên Trường, dù cái bản án đầu tiên bị phản đối kịch liệt. Nghĩa là, người ta có quyền tin rằng: các giám sát đã không hoàn thành trách nhiệm được VFF giao phó, thậm chí với những biên bản phê chung chung, người ta còn có quyền hồ nghi những giám sát đã lãnh tiền trách nhiệm có mặt trên sân chỉ để bảo vệ trọng tài, bảo vệ cho BTC giải, hơn là làm nhiệm vụ phản ánh trung thực những gì đã diễn ra trên sân!?

Cũng chính vì những cánh tay nối dài của BTC sân không hoàn thành trách nhiệm của mình, hay nói đúng hơn là ngó lơ trước những điều trái quấy, nên việc các đội bóng liên minh với nhau bắt đầu có cơ hội trở lại. Chuyện các đội bóng phản ứng, nhưng bất thành trước việc bầu Hiển có cùng lúc 2 đội bóng chơi ở V-League là có thật, và giờ nó càng thật hơn khi mà các đội bóng đã có dấu hiệu biết “chuyện” với nhau hơn.

Những đội không thể đua đến tốp có huy chương tranh thủ tạo mối quan hệ với các đội bóng cùng vùng miền để tính chuyện dài hơn. Các đội mạnh cũng đang nhìn quanh để xem có thể tạo thế liên minh được hay không. Có gì đáng ngạc nhiên khi mà CS Đồng Tháp thua dễ trên sân Long An, và cũng chẳng lạ lùng nếu K.Khánh Hòa chỉ thắng Navibank ở phút cuối cùng trong một cuộc đua tỷ số đến ngộ nghĩnh: 4-3 hay mới đây đã té ngửa trước Hòa Phát HN với tỷ số cũng “kinh” không kém: 1-3, hoặc SHB Đà Nẵng có thể thắng tứ tung, nhưng lại thua Hà Nội T&T như dự đoán, hay thua SLNA với tỷ số không tưởng: 0-5...

Rõ ràng, V-League mùa bóng này “đảo điên” hơn hẳn mùa 2009 khi nhiều đội bóng nhận thấy sự bất lực của VFF trong việc đối mặt với sự thật là giải bóng đá quốc nội đang có chiều hướng xấu dần đi. Khi mà VFF thờ ơ với những trận đấu “có vấn đề” ở những vòng đấu cuối mùa giải trước trong cuộc chạy đua của các đội bóng trụ hạng, thì cũng là lúc, phong trào “ai sao tui vậy” bắt đầu nở rộ hơn.

Nếu thật tâm VFF muốn mùa giải này về đích an toàn, có lẽ quãng nghỉ ngắn ngày này là lúc họ phải đối mặt với sự thật để đổi thay. VFF có thể “nằm im thở khẽ” với người ngoài như cái cách mà nhiều quan chức VFF đã làm từ trước đến nay, nhưng nếu họ chọn cách đó để thỏa hiệp với những điều chưa tốt từ chính “người nhà” của mình, e rằng, mùa bóng này sẽ không về đích an toàn như cái cách họ mong muốn. Người ta gọi đó là tức nước vỡ bờ!

TẤT ĐẠT


Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Tin cùng chuyên mục