Năm 2020, thời điểm mà bóng đá Việt Nam không thể có nhiều trận đấu quốc tế do dịch Covid-19, HLV Park Hang-seo thực hiện đến 7 đợt tập trung U22 để rèn giũa cho SEA Games 31 vốn dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2021. Gần 70 cầu thủ được gọi lên, nhưng đến SEA Games, số cầu thủ mới không nhiều, một trong số đó lại là người ghi bàn thắng quyết định trong trận chung kết với U22 Thái Lan, tiền đạo Nhâm Mạnh Dũng. Sau đó, cầu thủ khoác áo Viettel này lại không được đưa lên đội tuyển quốc gia.
Nhiều người nói HLV Park Hang-seo là người bảo thủ, điều đó cũng có lý do nếu chúng ta nhìn bộ khung của đội tuyển Việt Nam suốt 5 năm qua, phần lớn đều không thay đổi, nhất là sự “ưu ái” mà ông Park dành cho nhóm cầu thủ đến từ HA.GL. Nhưng có khá nhiều chi tiết cho thấy nhà cầm quân người Hàn Quốc là bậc thầy về dùng người. Trường hợp của Nguyễn Thanh Bình, người được HLV Park Hang-seo tung vào trận đấu với Trung Quốc ở vòng loại World Cup và mắc 2 sai lầm nghiêm trọng dẫn đến trận thua 1-3. Nhưng chính Thanh Bình, hiện là một trong những trung vệ chất lượng của bóng đá Việt Nam. Anh ít được thi đấu ở AFF Cup 2022 chỉ đơn giản vì đội tuyển đang có quá nhiều trung vệ giỏi và giàu kinh nghiệm.
Câu chuyện “dụng nhân” của HLV Park Hang-seo đặc sắc nhất chính là nhóm cầu thủ đến từ HA.GL. Họ luôn có mặt ở mỗi đợt tập trung, thường xuyên đến mức người ta nghĩ đến chuyện ông Park đang trả ơn cho bầu Đức, người đưa ông từ HLV đang thất nghiệp tại Hàn Quốc trở thành tượng đài ở Việt Nam. Nhưng nếu để ý kỹ, nhóm cầu thủ HA.GL phần lớn ngồi dự bị ở các chiến dịch lớn. Dù vẫn đưa họ vào sân, nhưng HLV Park Hang-seo không cố chấp đến mức giữ họ ở suốt trận đấu, hay luôn được đá chính. Điều quan trọng nhất là các cầu thủ HA.GL luôn sẵn sàng chấp nhận vai trò của những người dự bị. Sự “ưu ái” nếu có từ HLV Park Hang-seo, cũng đổi lại bằng lòng trung thành của những cầu thủ quyết tâm chơi bóng vì ông. Bàn thắng gỡ hòa của Vũ Văn Thanh trong trận chung kết lượt đi tối 13-1 là điển hình.
Cách dùng người của HLV Park Hang-seo đặc biệt đến mức kể cả khi Công Phượng hầu như không thi đấu ở Bỉ, vẫn được ông gọi về để đá vòng loại World Cup. Trọng Hoàng 9 tháng trời không được thi đấu vì án phạt, vẫn được chọn để sang Thái Lan đá King’s Cup. Quang Hải nhiều tháng chỉ dự bị tại Pau FC, vẫn mặc nhiên có suất đá chính tại AFF Cup 2022. Gọi là “ưu ái”, hay bảo thủ cũng được, nhưng đó là thứ niềm tin đặc biệt của HLV Park Hang-seo vào nhãn quan của chính mình.
Ngay từ đầu, HLV Park Hang-seo đã đặt niềm tin tuyệt đối vào những gì ông có, bao gồm cả những người cùng làm việc trên băng ghế huấn luyện. Lòng tin ấy lớn đến mức, một tiền đạo bị xem là “chân gỗ” như Nguyễn Anh Đức luôn được tin dùng, kể cả khi anh treo giày. Ngay khi Anh Đức xuống đá ở giải hạng nhất để… dưỡng già, ông vẫn triệu tập lên tuyển, vì đơn giản ông tin chưa có ai thay được Anh Đức cho đến khi Tiến Linh đủ sức lĩnh xướng hàng công. Và thế là Anh Đức chuyển sang vai trò trợ lý để chỉ đạo các đàn em đá trên sân tại AFF Cup 2022.
Sau AFF Cup 2020, HLV Park Hang-seo gây bất ngờ khi tước quyền đội trưởng của Quế Ngọc Hải. Ai cũng nghĩ đó là đòn trừng phạt, nhưng thực tế thì trung vệ này vẫn đang là thủ lĩnh hàng phòng ngự tuyển Việt Nam. Người ngoài sẽ chẳng bao giờ biết ông Park làm gì với Hải “Quế”, nhưng giữa 2 con người ấy, chắc hẳn là biết suy nghĩ của nhau. Đó chính là điều đặc biệt nhất làm nên một “triều đại” huy hoàng Park Hang-seo trong lịch sử bóng đá Việt Nam q