“Núp gió”

Sự kiện U.23 Việt Nam thua thiếu thuyết phục bị dư luận phản ứng kịch liệt và đặt ra nhiều nghi vấn. Hội Cổ động viên Việt Nam đã thảo một bức tâm thư đề nghị Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn và huấn luyện viên trưởng Falko Goetz từ chức. Chuyện này xưa nay mới có.

Nhân đây, một đồng nghiệp có nhắc đến cố trưởng đoàn bóng đá Việt Nam, ông Tô Hiền, hồi dự Tiger Cup lần 1-1996 ở Singapore. Ông làm việc miệt mài, theo sát đội bóng, nhanh chóng xử lý những vụ việc xảy ra trong đội và khéo léo dàn xếp êm thấm, có lợi cho tập thể, cho quốc gia.

Như vụ HLV trưởng Karl Heinz Weigang phản ứng trong cuộc họp báo sau trận đấu Việt Nam – Campuchia (3-1), phàn nàn sân Jurong lầy lội như cái ruộng. Ban tổ chức cảm thấy nóng mặt, dùng báo chí địa phương phản pháo lại, bởi dù gì Singapore cũng là một quốc gia giàu có. Ông Hiền lập tức một mặt “vỗ êm” bạn để giữ quan hệ, nhưng cũng nêu rõ ý kiến của HLV trưởng đội Việt Nam là đúng, buộc ban tổ chức phải chuẩn bị sân bãi cho tốt, không làm ảnh hưởng đến lối chơi thiên về kỹ thuật của chúng ta.

Hay vụ ông thầy người Đức làm ầm ĩ trong phòng thay đồ giữa trận Việt Nam – Lào (1-1), nói 4 cầu thủ “đã nhận bao nhiêu tiền để làm độ trận này?”... ông Hiền cũng dàn xếp êm xuôi. Hoặc việc có hay không HLV phó Dương Vũ Lâm nói ông Weigang là “kẻ làm thuê” trong cuộc họp giữa ông Weigang và ban huấn luyện người Việt, Ông Hiền yêu cầu phiên dịch đội tuyển khi ấy xác nhận trung thực, trước khi đi họp riêng với HLV trưởng Weigang.

Cuối cùng, mọi chuyện diễn ra êm thấm. Đội thi đấu tưng bừng và thắng Myanmar 4-1, tiếp đến thắng Indonesia 3-2 đoạt huy chương đồng. Những hiểu lầm trước đó đã được ông Tô Hiền xóa sạch giữa hai ông Weigang và Dương Vũ Lâm. Sau này, họ là những người bạn thân của nhau.

Kể những chuyện này chỉ để nói một điều, vai trò và trách nhiệm của ông trưởng đoàn bóng đá U.23 Việt Nam tại SEA Games 26 đến đâu? Khi mà đội bóng bị ép phải đá lúc 8 giờ sáng (trận Việt Nam – Brunei), người ta lại nghe phát biểu rằng: “Thôi, có một trận nên cố gắng”. Ý của vị trưởng đoàn là nên thỏa hiệp với cách làm lạ kỳ của ban tổ chức, dù đó là việc làm phản khoa học. May mà sau đó, do khiếu nại từ ban lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam mà trận đấu được tổ chức lùi lại 1 ngày và đá lúc 16 giờ.

Công bằng mà nói, những bức xúc của hội CĐV chỉ phản ánh những nguyên nhân trước mắt. Thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games còn có nguyên nhân từ kiểu quản lý và đầu tư trật chìa, đối phó là chính chứ chưa xây dựng được nền tảng thực thụ. Cho đến thời điểm này, khi mà dư luận vẫn tiếp tục bức xúc và yêu cầu cần phải xác định trách nhiệm, nguyên nhân cụ thể để xây dựng nền bóng đá Việt Nam đúng tiềm năng của mình thì các nhà quản lý cũng như chuyên môn lại tiếp tục… “núp gió”.

Chắc chắn rằng, giờ đây người hâm mộ khó mà chấp nhận kiểu đánh giá cũ mèm theo kiểu “rút kinh nghiệm nghiêm túc”, “bài học đáng giá”… mà đòi hỏi những người có trách nhiệm dám nhìn thẳng vào sự thật, dám cải tổ đến nơi đến chốn. Cái quan điểm “ném chuột không được làm vỡ bình” như bao lần thì rốt cuộc sẽ đưa nền bóng đá nước nhà vốn có tiềm năng, trình độ không thua kém các nước trong khu vực, sẽ tụt lại phía sau.

Do vậy, nếu cứ “núp gió” để cho qua thì hậu quả sẽ ngày càng nặng nề.

Minh Hùng

Tin cùng chuyên mục