Nếu như Roland Garros hồi năm ngoái chứng kiến Djokovic trở thành “Nhà Vua có uy quyền tuyệt đối”, vì là người thứ 2 kể từ thời của “tiền bối” Rod Laver sở hữu cả 4 danh hiệu Grand Slam ở cùng một thời điểm, thì Roland Garros năm nay chứng kiến Djokovic chật vật với phong độ, tự hoài nghi với đẳng cấp của chính mình. Djokovic đang trong một cơn khủng hoảng, mà theo chính anh thừa nhận, đó là “một cơn khung hoảng nho nhỏ”.
Novak Djokovic đang đối mặt với “một cơn khủng hoảng nho nhỏ”
Kể từ sau ngôi vô địch Grand Slam ở mùa giải năm ngoái, Djokovic không thắng thêm một danh hiệu lớn đình đám nào. Anh chỉ đăng quang được đúng hai lần, đó là ngôi vô địch Rogers Cup ở Canada hồi cuối năm ngoái và ngôi vô địch Qatar Cup ở Doha hồi đầu năm nay. Tại Rome Masters, người ta tưởng chừng như Djokovic đã tìm lại được phong độ ấn tượng của mình khi anh “hủy diệt” Juan Martin del Potro và Dominic Thiem chỉ trong một ngày bằng những chiến thắng áp đảo chỉ diễn ra sau 2 ván đấu. Tuy nhiên, trong trận đấu chung kết, Djokovic khiến giới mộ điệu tiếp tục cảm thấy thất vọng khi để thua chóng vánh trước tay vợt trẻ người Đức gốc Nga Alexander Zverev.
Ở Roland Garros trong những ngày này, Djokovic thể hiện một sự hứng khởi hoàn toàn mới mẻ trên sân tập. Đó là vì, anh đã có quãng thời gian đầu tiên làm việc với “đại sư phụ” Andre Agassi, người mà Djokovic kỳ vọng rằng, sẽ giúp anh thoát khỏi cơn khủng hoảng mà anh đang phải đối mặt, ở thời điểm anh đã chia tay “đại sư phụ” Boris Becker và cũng đã sa thải ban bệ huấn luyện lâu nay của mình, với Marian Vajda cùng với HLV thể lực và bác sĩ vật lý trị liệu. “Liệu pháp chữa trị thật sốc” là thứ mà Djokovic đang nhắm đến với hy vọng sớm định hình lại bản thân, chấm dứt những ngày tháng hoang mang và quẩn quanh đi tìm lại khát khao hay mục tiêu của chính mình…
Cho biết trong buổi trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình của CNN, Djokovic đã nói rằng: “Tôi hiện đang trải nghiệm với một cơn khủng hoảng nho nhỏ, nếu các bạn muốn gọi nó là như vậy. Có rất nhiều sự chờ đợi, kỳ vọng, và cả áp lực, được xây dựng xung quanh mỗi mùa giải khi tôi đang quay trở lại. Nó mang đến rất nhiều hứng khởi, nhưng cũng là không ít sự khuây khỏa. Ngoài ra, cũng có rất nhiều cảm xúc liên quan đến nhiều thứ trên ranh giới của mình. Khi tôi đã gặt hái được ngôi vô địch French Open, có cảm giác kiểu như là, trí lực của tôi đã hoàn toàn trống rỗng”. Chính Becker, sau khi chia tay Djokovic cũng đã cáo buộc, anh này đã thưởng thức chiến thắng ở Paris quá nhiều.
Đến với Roland Garros năm nay, Djokovic đang có cơ hội nhìn lại cả một quá trình sa sút suốt cả năm qua, sau khi anh bước lên bục cao nhất ở Paris, để ôn luyện lại những kỷ niệm khó quên trong quá khứ, và hướng đến tương lai. Sẽ là như thế nào, nếu như mà Djokovic có thể giải quyết… “cơn khủng hoảng nho nhỏ của mình” sau ngôi vô địch French Open bằng… một ngôi vô địch French Open khác. Điều đó hẳn sẽ là rất thú vị. Nhưng trước mắt, anh cần phải “hỏi ý kiến” tay vợt đang sở hữu đến 9 ngôi vô địch ở Paris, người đang rất muốn giành lấy “cú decimal” thứ 3 trong sự nghiệp – tay vợt tiếng tăm lừng lẫy người Tây Ban Nha Rafael Nadal. Nadal đã thắng 3/4 giải đấu sân đất nện gần đây.
“Nói chung, khủng hoảng, tất cả cũng chỉ là một phần trong thể thao. Còn hiện tại, tôi đang cảm thấy tốt hơn rất nhiều nếu so với những gì mà tôi đã phải trải qua, có lẽ là trong 2 hay 3 tháng vừa qua. Tôi đang rất hào hứng khi được quay trở lại với Paris thêm một lần nữa, rõ ràng là như vậy. Đã một năm trôi qua kể từ khi tôi đăng quang French Open 2016, nhưng cảm giác thật giống như là… mới chỉ ngày hôm qua. Về phần Nadal, không còn nghi ngờ gì nữa, anh ấy sẽ cố gắng thẳng tiến đến danh hiệu thứ 10 đầy khó tin. Rafa đã luôn chiếm ưu thế ở đây. Anh ấy cũng đã có màn trình diễn rất tuyệt vời trong mùa giải năm nay, một màn trình diễn có chất lượng cao. Chắc chắn anh ấy sẽ là tay vợt mà mọi người muốn đánh bại. Anh ấy luôn là như vậy, trong quá khứ và cả ở hiện tại, là một ứng viên nặng ký ở Roland Garros. Đây sẽ là một giải đấu cực kỳ hào hứng”, Djokovic nói.