“Nóng” và “nguội”

1. 69 tay đua đã bị loại khỏi các giải cá nhân của cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình TPHCM 2014 vì lý do vi phạm luật ở chặng đua TPHCM đi Vũng Tàu vào chủ nhật. Ngay khi cuộc đua kết thúc, Ban tổ chức đã họp với lãnh đạo các đội để giải quyết những nghi vấn dàn xếp trong chặng đua khi nhóm cuối cùng về đến đích cách nhóm đầu đến hơn 9 phút, trong khi theo quy định, nếu VĐV về đích quá 5% thời gian so với VĐV cuối của tốp đầu thì xem như bị loại (chặng này tay đua Hồ Huỳnh Vạn An của BVTV An Giang về nhất với thời gian 2 giờ 45 phút 15 giây).

Ban đầu, mọi người cứ nghĩ các tay đua nhóm đầu đã có chiến thuật bứt phá thành công, đè các tay đua còn lại không thể bứt tốp cho đến đích. Nhưng thực tế lại là chuyện tính toán “diễn trò” của các HLV và VĐV các đội. Họ đã chơi chiến thuật ru ngủ, kiềm hãm tốc độ lẫn nhau đến mức phá vỡ nguyên tắc của một cuộc đua xe đạp mà bất cứ VĐV nào bắt đầu tham gia đều phải thuộc nằm lòng.

Kết quả, 12 tay đua về đầu chặng này tiếp tục được cạnh tranh các giải thưởng của giải. 69 tay đua còn lại về ở nhóm sau gồm hầu hết các tay đua mạnh nhất giải, các VĐV tuyển quốc gia đã bị ban tổ chức tước quyền tranh chấp các giải thưởng cá nhân toàn giải như áo vàng chung cuộc, áo xanh thắng chặng, áo đỏ leo núi… Họ chỉ còn được các giải thưởng chặng và đồng đội chung cuộc.

Một quyết định “nóng” và kiên quyết của ban tổ chức được dư luận đồng tình, dù nó cũng khiến cho cuộc đua mới đến chặng hai nhưng hầu hết các tay đua mạnh nhất đều bị loại khỏi các giải thưởng cá nhân, khiến việc tranh chấp trong từng chặng đua kém hấp dẫn đi nhiều. Hy sinh tính hấp dẫn để ngăn chặn mầm mống tiêu cực một cách quyết liệt, đó là cách “ra tay” nhanh chóng của Ban tổ chức Cúp Truyền hình 2014.

2. Cùng thời điểm này, dư luận cũng tranh cãi xôn xao quanh thông báo kỷ luật HLV Trần Đức Quỳnh và VĐV Lý Hoàng Nam của Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF). Theo đó, Trần Đức Quỳnh bị cấm toàn bộ các hoạt động chuyên môn liên quan tới quần vợt trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam trong 2 năm, còn Lý Hoàng Nam bị cấm thi đấu trong thời hạn 1 năm.

Lý do: cả hai không chấp hành lệnh triệu tập của VTF trong năm 2013. Sẽ được dư luận ủng hộ nếu quyết định kỷ luật này minh bạch, đằng này nó lại xuất phát sau hàng loạt tranh chấp đến mức không ai chịu ai giữa một bên là VTF và một bên là đơn vị quản lý HLV và VĐV. Nó cũng khiến dư luận bất ngờ và cho rằng VTF đã “lật kèo” khi trước đó đã có cuộc họp giữa hai bên trước sự chứng kiến của Tổng cục TDTT.

Tại cuộc họp, mọi việc dường như được thống nhất vì tương lai của các VĐV trẻ và vì tương lai quần vợt Việt Nam. Nhưng đùng một cái, thông báo kỷ luật được phát đi sau gần một năm vụ việc xảy ra. Cú phạt “nguội” này đã khiến dư luận nóng lên. Chỉ vì không thực hiện lệnh triệu tập có lý do mà cả HLV và VĐV bị cấm thi đấu, liệu VTF có quyền này không?

Thật ra, quyết định của VTF không mấy ảnh hưởng đến VĐV vì VTF có tổ chức được mấy giải trong nước, mà có cũng ít ai quan tâm. Các VĐV ít nhiều triển vọng hiện nay đều phải tham dự các giải nước ngoài mới mong nâng cao thành tích. Nhưng phạt mà không thuyết phục thì càng tự đánh mất uy tín chính mình.

Hai cách xử lý “nóng” và “nguội” trên cũng ít nhiều cho thấy khả năng, trình độ quản lý thể thao và cái tâm của những người trong cuộc.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục