Nỗi niềm kẻ ở, người đi

Nguyễn Thị Ánh Viên (Quân đội) và Nguyễn Diệp Phương Trâm (Trung tâm HLTTQG TPHCM) là 2 gương mặt đang được xem có sự tương phản đáng kể vào lúc này. Ánh Viên đã trở lại Mỹ tiếp tục tập huấn sau khi thi đấu giải VĐQG 2015. Trong khi đó, điều đau đáu lúc này của Phương Trâm là được giải phóng hợp đồng…

Nguyễn Thị Ánh Viên (Quân đội) và Nguyễn Diệp Phương Trâm (Trung tâm HLTTQG TPHCM) là 2 gương mặt đang được xem có sự tương phản đáng kể vào lúc này. Ánh Viên đã trở lại Mỹ tiếp tục tập huấn sau khi thi đấu giải VĐQG 2015. Trong khi đó, điều đau đáu lúc này của Phương Trâm là được giải phóng hợp đồng…
Nỗi niềm kẻ ở, người đi ảnh 1

Kình ngư trẻ Nguyễn Diệp Phương Trâm. Ảnh: Dũng Phương

1. Sau khi tranh chấp xảy ra với đơn vị bơi lội cũ TPHCM, cực chẳng đã, gia đình Phương Trâm và đại diện của TPHCM đã phải đưa nhau ra tòa. Tòa án Nhân dân quận 1 (TPHCM) đã thụ lý vụ kiện và sau 2 lần hòa giải, tới giờ đôi bên chưa thể giải quyết xong tranh chấp. Nếu không có gì thay đổi, cuộc hòa giải tiếp theo sẽ diễn ra đầu tháng 11 tới. Như trường hợp của cầu thủ bóng chuyền Nguyễn Văn Hạnh trước đây, sau hơn 3 lần không thể tìm tiếng nói chung, tòa án đã xét xử sự vụ.

Không ai muốn điều ấy diễn ra với Nguyễn Diệp Phương Trâm. Cả cô lẫn đơn vị cũ TPHCM đều muốn cách làm hiệu quả và VĐV không bị ảnh hưởng tâm lý. Từng bên đều có lý của mình qua đó yêu cầu con số cụ thể tiền bồi hoàn (gia đình Phương Trâm chỉ đồng ý đền bù 243 triệu đồng còn đơn vị TPHCM không thay đổi yêu cầu trả 961 triệu đồng như ban đầu). Mấu chốt vẫn là con người. Tức là, Trâm là viên ngọc quý nên không thể bị mất dễ dàng. Dựa trên giấy tờ hợp đồng và những quyết định đôi bên có trong tay, chắc chắn tòa án sẽ phân xử rõ ràng nhất. Một VĐV ở tuổi 14 như Phương Trâm phải ra tòa vì tranh chấp (lẽ ra không đáng có) là điều thật tiếc.

Tiếc hơn, từ khi cô không còn tham gia đội bơi TPHCM, mọi tập luyện và chế độ đều chỉ có từ Tổng cục TDTT (chi cho Trâm trong diện thành viên đội dự tuyển quốc gia tập tại Trung tâm HLTTQG TPHCM). Nỗ lực của Phương Trâm rất khâm phục vì công cuộc tập luyện ngày càng thăng tiến từ giành kết quả giải trẻ toàn quốc 2015, giải trẻ các nhóm tuổi châu Á 2015 và mới đây là giải VĐQG 2015. Thực tế nhìn vào diễn tiến thời gian, chính gặp rắc rối chưa giải quyết xong hợp đồng giữa VĐV và đơn vị quản lý, quá trình đầu tư vào Phương Trâm đang bị đình trệ.

Ánh Viên ở tuổi của Phương Trâm lúc này chưa thể hiện năng lực tốt như vậy. Ai cũng muốn đầu tư cho Trâm. Tổng cục TDTT cũng muốn việc tranh chấp nhanh dứt điểm thì các chương trình cho Trâm mới nhanh chóng thực hiện đúng lộ trình.

2. Nếu dùng dằng không xong, có thể, hết tháng 12 sự vụ vẫn chưa giải quyết được. Như thế, xem như mọi chuyện làm được phải bắt đầu từ năm mới 2016. Giai đoạn Ánh Viên được đầu tư cho đi Mỹ tập huấn (năm 2012), quy trình được thực hiện rất nhanh để tiến độ tập luyện của Viên không bị ảnh hưởng. Lúc ấy, Viên được tính toán không để bị thời gian “chết” quá nhiều.

Sớm được ra nước ngoài tập huấn, Ánh Viên càng có thêm sự thích nghi. Nữ tuyển thủ này đã thực hiện tập huấn được trọn 1 năm từ đầu tới cuối. Bây giờ, Phương Trâm hẳn cũng mong được như vậy. Gia đình Phương Trâm đã cho biết việc nữ tuyển thủ trẻ muốn rời TPHCM là để du học. Đại diện Sở VH-TT TPHCM có quan điểm không hẳn sai rằng nếu đúng du học như chia sẻ thì gia đình phải viết giấy cam kết không đầu quân cho địa phương khác mới được giải phóng hợp đồng.

Bơi lội TPHCM đầu tư cho Phương Trâm trước kia thì đó cũng là tiền từ nhà nước. Cô là VĐV tốt thì không dễ tìm ra cũng như đơn vị khó để mất. Ngoảnh đi ngoảnh lại, 3 năm tới sẽ tiếp tục một kỳ Đại hội TDTT toàn quốc nữa. Nó cũng như tuổi của Trâm, mãi không thể trẻ và còn phải phát triển tiến lên.


NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục