“Nội chiến” giới ngân hàng

Không nhà băng thì...
“Nội chiến” giới ngân hàng

Eximbank thế vai Petro Việt Nam Gas làm nhà tài trợ độc quyền V-League 2011. Bất chấp điều ấy, bóng dáng của giới nhà băng vẫn chiếm hữu tại V-League, với 5 đội bóng thuộc nhóm giàu quyền lực. V-League 2011 là cuộc “nội chiến” của giới ngân hàng - tài chính?

Không nhà băng thì...
 

Cho dù T&T - Tập đoàn sở hữu của ĐKVĐ V-League Hà Nội T&T - còn khiến nhiều người mơ hồ về thương hiệu, nhưng T&T là một tập đoàn tài chính - công nghiệp - bất động sản. T&T chính là cổ đông chính của Ngân hàng SHB - nơi bầu Hiển giữ ghế Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Thế cho nên, trong khi ngôi vô địch của Hà Nội T&T còn chưa nóng chỗ thì rõ ràng, không thể loại đội bóng thủ đô khỏi cuộc đua đến ngôi vô địch. Mùa này, Hà Nội T&T trầm hơn, thậm chí so với người anh em SHB.Đà Nẵng, nhà vô địch V-League mua sắm ít hơn, nhưng điều ấy không làm cho Hà Nội T&T mất vị thế trong cuộc đua nóng bỏng sắp tới.

Cuộc đối đầu giữa B.Bình Dương (trái) và SHB.Đà Nẵng ở mùa giải 2011 có thể xem là “nội chiến” của giới ngân hàng. Ảnh: Hoàng Hùng

Cuộc đối đầu giữa B.Bình Dương (trái) và SHB.Đà Nẵng ở mùa giải 2011 có thể xem là “nội chiến” của giới ngân hàng. Ảnh: Hoàng Hùng

Ngoài Hà Nội T&T với sự chống lưng của Tập đoàn tài chính - công nghiệp - bất động sản, V-League có 6 đại diện liên quan mật thiết đến giới nhà băng: SHB.Đà Nẵng, Hà Nội.ACB, Navibank Sài Gòn, B.Bình Dương, HA.Gia Lai và SL.Nghệ An. Tất nhiên, mỗi đội có sự liên hệ với giới nhà băng khác nhau. Ví dụ, B.Bình Dương và HA.Gia Lai chỉ được phép nhận tài trợ ở mùa V-League 2011, còn SHB.Đà Nẵng, Hà Nội.ACB, Navibank Sài Gòn là bộ mặt của các ngân hàng. Đối với SL.Nghệ An, dù có Ngân hàng Bắc Á chống lưng, nhưng đội bóng xứ Nghệ vẫn giữ được bản sắc, tính địa phương thuần chất Sông Lam.

Với một nửa V-League thuộc quyền kiểm soát của giới tài chính - ngân hàng, hiển nhiên người ta thấy tầm ảnh hưởng của ngành này đối với V-League. Trên thực tế, Eximbank đã làm cuộc cách mạng về tài trợ V-League với hợp đồng rất cao, trị giá 90 tỷ đồng/3 mùa. Trong khi đó, Navibank Sài Gòn, B.Bình Dương, SHB.Đà Nẵng hay HAGL đều thuộc nhóm tích cực nhất trên thị trường chuyển nhượng, bởi có lẽ họ gom được những anh tài tốt nhất hội tụ. Có lẽ nhóm đội bóng này chỉ chịu thua Xuân Thành Sài Gòn - đại gia mới nổi của bầu Thụy - về khả năng mua sắm cầu thủ.

...không có quyền lực

Năm ngoái, Hà Nội T&T lên ngôi vô địch trong sự ngỡ ngàng của cả V-League. Bất chấp những điều ì xèo, không ai có thể phủ nhận cách đi đến ngôi vô địch của đội bóng thủ đô là phương án nỗ lực vượt bậc. Trước đó 1 năm, SHB.Đà Nẵng của bầu Hiển lên ngôi trong sự thán phục của cả V-League. Vậy cho nên, một khi tầm ảnh hưởng của giới nhà băng càng ngày càng lớn ở V-League, người ta đã nghĩ đến kịch bản V-League 2011 biến thành cuộc “nội chiến” của giới ngân hàng, nhất là cuộc đua đến ngôi vô địch.

Thực tế, trừ Hà Nội ACB và Navibank Sài Gòn tỏ ra yếu thế, 5 đội bóng còn lại đều thuộc nhóm quyền lực của V-League. 3/5 đội bóng có liên quan mật thiết với giới nhà băng gồm SHB.Đà Nẵng, B.Bình Dương và HA.Gia Lai thực chất chính là nhóm đại gia V-League. Thêm Hà Nội T&T là ĐKVĐ V-League, còn SL.Nghệ An với tư cách là ĐKVĐ Cúp Quốc gia cũng đều có ảnh hưởng quyết định đến cục diện của giải đấu số 1 của bóng đá Việt Nam.

Sau V-League 2010, những đại biểu của giới nhà băng ít nhiều bị tổn thương vì thành tích xập xệ. Nhưng chính điều ấy đã làm các đại diện này càng “điên tiết”, bằng chứng là hàng loạt cuộc chiêu mộ ầm ĩ đều do các đội bóng thuộc giới tài chính - ngân hàng thực hiện. Thế cho nên, khi khao khát được trèo cao được đánh thức và có thêm những cuộc đầu tư bạo tay, sự trở lại của nhóm CLB trong cuộc đua đến ngôi vô địch V-League là hoàn toàn bình thường. Đó cũng là xu thế thể hiện trong thời buổi V-League nhốn nháo, điều khiển và quyết định chính bằng kim tiền, kiểu mạnh vì gạo, bạo vì tiền.

Một cuộc “nội chiến” giới ngân hàng sắp bắt đầu!


Ngọc Linh

Tin cùng chuyên mục