V-League giờ đây chỉ còn hai vòng đấu cuối. Rồi cũng sẽ có một lễ tổng kết mùa bóng khá trơn tru, nhưng để đi đến đó, trong những ngày này, những người liên quan đều căng như dây đàn. Cuộc đua vô địch vẫn hết sức nóng, cuộc đua tránh suất play-off gần như ngã ngũ nhưng “bom” có thể nổ ngay từ chính các đội không còn gì để mất đó. Và những “xấu xí” của bóng đá V-League cứ dần lộ ra.
Có thể nói, sự quyết liệt để thể hiện quyết tâm chống tiêu cực của VFF nhiệm kỳ này là rất đáng ghi nhận. Các vụ việc xảy ra đều được xử lý nhanh và phần lớn là thỏa đáng, góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong bóng đá. Vậy mà cho đến thời điểm này, tiêu cực và xấu xí của V-League như vẫn trêu ngươi ban tổ chức và VFF. Sau vụ dàn xếp tỷ số của một số cầu thủ Ninh Bình bị khởi tố, cứ nghĩ chuyện mua bán độ trong nội bộ cầu thủ được “thu gọn” lại. Nào ngờ không lâu sau đã “đến lượt” các cầu thủ Đồng Nai. Họ cũng bị khởi tố vì mua bán độ, tội danh mà chính họ trước đó đã lên tiếng rằng “chỉ có tự hủy hoại sự nghiệp mới làm chuyện đó”. Ngày mai có còn cầu thủ nào bị phát hiện nữa không? Ai cũng cầu mong là không bởi nếu tiếp tục xảy ra thì V-League trở thành một “sòng bạc” chứ đâu còn là sân chơi bóng đá.
Tiêu cực bằng cách bán độ là ẩn bên trong, còn những điều xấu xí khác lại phơi ra ngoài. Vụ trọng tài Phùng Đình Dũng bị “bề hội đồng” trên sân Long Xuyên không gì khác hơn là một vết nhơ của thể thao. Không ai nghĩ những khán giả hiền lành chất phác miền Tây lại có thể phản ứng quá giới hạn với trọng tài đến vậy, ngoại trừ có sự tác động của chính ban huấn luyện, cầu thủ và những người có trách nhiệm khác trên sân hôm ấy. Nghe HLV Nhan Thiện Nhân nói sau trận đấu mới thấy nguyên nhân vụ việc từ nơi nào. Ông cho rằng nhân viên sân Long Xuyên chỉ mới dọa đánh chứ chưa đánh trúng trọng tài. Theo suy nghĩ của vị HLV này, người được xem là đang dạy dỗ mấy chục cầu thủ rằng dọa đánh thì bình thường, khi nào đánh trúng mới cần bàn! Cái nhìn này đã phơi bày một sự thật gần như phổ biến ở sân chơi V-League khi bạo lực sân cỏ luôn hoành hành không dứt. Có lẽ vì các HLV, người thầy của các cầu thủ, luôn dạy rằng cứ chơi xấu đi, khi nào đối thủ gãy giò, cấp cứu thì mới bị coi là chơi xấu, mà không nhiều trường hợp phải đưa đi cấp cứu trực tiếp nên chơi xấu là một hành động vô tư!
Hai vòng đấu cuối, sẽ còn chuyện gì xảy ra với V-League? Bình Dương và T&T Hà Nội tiếp tục tranh ngôi vô địch mà cho đến giờ phút này không đội nào có lợi thế vượt trội. Trong khi đó, nhóm cuối bảng gần như hết động lực khi An Giang chắc chắn dự trận play-off. Dù vậy, nguy cơ “bom nổ” là ở các đội khu vực này. Khi mà tính chuyên nghiệp không có, sự cay cú ăn thua và tâm lý không ăn được thì cũng không cho người khác ăn ngự trị ở nhiều đội bóng thì điều gì cũng có thể xảy ra. Vậy nên, có lẽ ai cũng đang nín thở mong cho trận cuối cùng kết thúc để còn… chuẩn bị bản báo tổng kết mùa bóng một cách êm đềm hơn.
PHƯƠNG NAM