Những người trẻ

U.19 Việt Nam thắng nhẹ nhàng 1-0 trước chủ nhà Myanmar để đoạt vé chính thức vào vòng chung kết Giải U.19 châu Á 2016 đã đưa đội trẻ thứ ba của bóng đá Việt Nam có mặt ở sân chơi châu lục, sau U.16 và U.23.

 Như vậy, trong năm 2016, lần lượt các đội trẻ này sẽ bước vào sân chơi lớn với các đội bóng mạnh châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. Rất khó để có được thứ hạng cao ở sân chơi này, nhưng đây là cơ hội hiếm có để bóng đá Việt Nam tự tin hơn.

Ba đội tuyển trẻ được dẫn dắt bởi ba huấn luyện viên khác nhau đã có cùng thành tích là đưa đội tuyển vào vòng chung kết. Đầu năm 2015, tuyển U23 của HLV Miura đã thi đấu rất hay trong khuôn khổ bảng I. Không thể cạnh tranh ngôi đầu bảng với Nhật Bản, U.23 Việt Nam “hoạch định” cho mình 1 trong 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất để đủ điều kiện vào dự vòng chung kết. Khi đó, HLV Miura được ca ngợi hết lời bởi chiến thuật mỗi trận đấu một đội hình khác nhau và triết lý “tìm sự sống từ những pha bóng chết”. Kết quả với 2 trận thắng 1 trận thua, U23 Việt Nam chính thức có mặt ở Qatar vào tháng 1-2016 với các đội bóng mạnh nhất châu lục.

U.19 khởi đầu và hành trình lặng lẽ hơn. Họ đã bị cái bóng quá lớn của lứa U.19 Công Phượng “đè” đến mức khán giả còn không biết thành phần trong đội hiện nay có những cái tên nào nổi bật. Sự lạnh nhạt của dư luận, sự thiếu đầu tư thể hiện khá rõ khi các kế hoạch tập huấn nước ngoài đều không thành, thậm chí chọn đội đá tập trong nước cũng không được ưng ý. Vậy nhưng thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã vượt qua sự “lạnh nhạt”, tập luyện không nản chí. Cũng may, thành phần đội tuyển là những cầu thủ tốt nhất được tuyển chọn từ các lò đào tạo trẻ ổn nhất hiện nay như PVF, Viettel nên đã thể hiện được sự ổn định qua từng trận đấu. Với 4 trận thắng, lấy trọn 12 điểm và đứng nhất bảng để có mặt ở vòng chung kết châu Á vào tháng 10-2016 là kết quả không nhiều người nghĩ đến khi họ mới ra quân.

Trong khi đó, U.16 là lứa trẻ nhất nên sự quan tâm của người hâm mộ dường như khá hiếm hoi. Đăng cai tổ chức vòng loại bảng J, Việt Nam cũng chỉ “dám” tổ chức ở sân của trung tâm đào tạo trẻ VFF, do vậy không nhiều người được xem các cầu thủ trẻ thi đấu ra sao. Nòng cốt đội tuyển cũng từ lứa U.15 của lò đào tạo PVF. HLV Đinh Thế Nam khá mát tay khi dẫn dắt các cầu thủ lứa trẻ có những trận thắng với tỷ số khó tin như thắng Guam 18-0, thắng Myanmar 5-1. Kết thúc vòng loại, U.16 Việt Nam là đội nhì bảng có thành tích tốt nhất nên chính thức có mặt ở vòng chung kết châu Á vào năm sau tại Ấn Độ.

Điểm lại quá khứ, hiếm có thời điểm nào mà có đến ba lứa trẻ của bóng đá Việt Nam có kết quả tốt đẹp như hiện nay. Đương nhiên, giữa bóng đá trẻ với đội tuyển quốc gia có những tiêu chuẩn khác xa nhau, nhưng bóng đá trẻ luôn là cái nền vững chắc để phát triển. Sân chơi châu lục cũng vẫn đang quá tầm, nên đây có thể xem là cơ hội học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt cái mới, cái hay của các nền bóng đá phát triển để xây dựng cho mình một bản sắc riêng. Điều kiện và thời cơ đã có, vấn đề là các nhà làm bóng đá sẽ tận dụng ra sao mà thôi.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục