Những đóng góp vĩ đại

Lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Cuba Fidel Castro, vị cựu Chủ tịch với câu nói lừng danh: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”,  đã qua đời hôm 26-11 trong sự tiếc thương vô hạn của rất nhiều người yêu mến, ngưỡng mộ.

Trong sự nghiệp của mình, ông đã có những đóng góp lớn lao cho quá trình đấu tranh giành độc lập của đất nước Cuba, sau đó là cho quá trình phát triển, tạo ra những thành tựu to lớn trong kinh tế – y tế và xã hội. Trong lĩnh vực thể thao, ông cũng đã có những góp công to lớn, biến thể thao Cuba trở thành một thế lực cực mạnh trong làng thể thao thế giới…

Người biến thể thao Cuba thành thế lực

Cùng với lòng yêu nước, niềm đam mê thể thao luôn chảy trong huyết quản Fidel. Sinh ra trong một gia đình sở hữu đồn điền khai thác đường, Fidel trưởng thành trong sung túc và được gửi đến Trường El Colegio de Belen ở Havana để học hành. Tại nơi này, Fidel đã chơi cho đội tuyển bóng chày trường, ngoài ra, ông còn tham gia các môn thể thao khác như là bóng rổ, chạy điền kinh. Thể thao để rèn luyện sức khỏe, luôn là điều mà Fidel hướng đến. Sau khi lật đổ sự thống trị của nhà độc tài Fulgencio Batista và trở thành lãnh đạo của Cuba kể từ tháng 2-1959, vượt qua những khó khăn, thách thức do cuộc cấm vận và bao vây cả về kinh tế lẫn chính trị thù địch của Mỹ, Fidel vẫn đảm bảo những cơ sở, nền móng để phát triển thể thao rộng khắp cả lãnh thổ Cuba với một câu nói cũng nổi tiếng không kém câu nói về Việt Nam: “Thể thao nên là quyền của con người, không phải là quyền của giới giàu có”.

Dưới sự định hướng của Fidel, thể thao và giáo dục thể chất của Cuba luôn có cơ hội tiếp cận trẻ em khi các bé mới chỉ 45 ngày tuổi. Cha mẹ của các bé được dạy cách huấn luyện hoạt động tay chân, xoa bóp cơ bắp để giữ cho các bé được khỏe mạnh một cách thật khoa học. Lớn lên một chút, các bé lại được chơi những trò chơi liên quan để sức mạnh thể chất. Đây chính là nền móng cho các chường trình phát triển thể thao hiện đại ở Cuba, khiến làng thể thao nước này luôn là một thế lực trong các môn “cơ bản” như điền kinh, sau đó phát triển sang các môn thể thao phức tạp hơn như quyền Anh (nghiệp dư) và bóng chày.

Năm 1961, Viện Thể thao, Giáo dục thể chất và Giải trí Quốc gia được thành lập. Đây là cơ quan cấp Nhà nước đảm nhận trọng trách phát triển thể thao và giải trí, cả những chương trình thể thao, giáo dục thể chất từ nhỏ nhất đến cụ thể nhất trên toàn đất nước Cuba, bao gồm cả chương trình “EIDE” (chương trình tìm kiếm và phát triển tài năng thể thao trẻ). Thể thao và giáo dục thể chất là những môn học bắt buộc trong các trường học cấp 1 và chuyên sâu ở Cuba.

Cuba những năm được Fidel dẫn dắt là một thế lực thể thao cực mạnh ở đấu trường Olympic. Trong suốt giai đoạn từ năm 1906 đến năm 1968, thể thao Cuba không giành nổi một tấm HCV Olympic nào. Mọi thứ hoàn toàn thay đổi kể từ năm 1972, ở Olympic Munich, sau đó là Olympic Montreal và ở Olympic Moskva (thể thao Cuba cùng khối XHCN tẩy chay Olympic Los Angeles 1984). Trong số các VĐV Cuba tham dự Thế vận hội, ấn tượng nhất chính là Teofilo Stevenson, người 3 lần liên tiếp giành HCV quyền Anh hạng nặng và được so sánh với Mohammad Ali bên làng quyền Anh chuyên nghiệp. Lý ra, Teofilo đã có thể thắng 5 HCV liên tiếp nếu Cuba không tẩy chay Olympic Los Angeles và Olympic Seoul (ông từng thắng nhà vô địch Olympic 1984 Tyrell Biggs để “chứng minh quyền lực tối thượng của mình”, sau đó 3 năm, Biggs thua trận chuyên nghiệp đầu tiên trước chính… Mike Tyson, sau chuỗi 15 trận toàn thắng). Sau này, Felix Savon trở thành người kế thừa truyền thống giành 3 HCV Thế vận hội liên tiếp của Teofilo. Bên cạnh đó là Alberto Juantorena (người đầu tiên thắng HCV ở 2 cự ly chạy 400 mét và chạy 800 mét), rồi Javier Sotomayer (HCV nhảy cao Olympic Barcelona 1992, lập KLTG với thành tích 2 mét 45 hồi năm 1993, kỷ lục đó vẫn đứng vững cho đến tận ngày hôm nay)…

Fidel và Teofilo

Ở Cuba, Teofilo chỉ nổi tiếng sau Fidel. Fidel là biểu tượng của cách mạng, của tinh thần dân tộc Cuba, thì Teofilo là biểu tượng của giá trị Cuba, vượt ra ngoài tầm vóc quyền Anh hay thể thao đơn thuần. Teofilo được truyền cảm hứng của Fidel, khi nói ra một câu nói kinh điển: “Làm sao mà vài triệu USD lại có thể so sánh được với tình yêu của 8 triệu người Cuba cơ chứ?”, nhằm từ chối khoản tiền thưởng trị giá 5 triệu USD nếu ông chịu thượng đài với Ali để “thống nhất ngôi vô địch hạng nặng thế giới giữa 2 làng quyền Anh chuyên nghiệp và nghiệp dư”, đó là cơ hội mà nếu gật đầu chấp nhận, Teofilo sẽ trở thành võ sĩ thứ 2 sau Peter Rademacher, được chơi trận quyền Anh chuyên nghiệp đầu tiên trong sự nghiệp để tranh đai vô địch thế giới.

Khi Teofilo qua đời, Fidel đã dành cho ông những lời lẽ đầy trọng thị: “Đây là người đàn ông đã chứng tỏ sự vĩ đại rất nhiều lần trong cuộc đời. Không tiền bạc nào trên thế giới là đủ để mua chuộc Stevenson cả”.

Fidel và bóng chày

Cuba là một quốc gia mà bóng chày giống như là quốc giáo, kiểu bóng đá ở Brazil vậy. Và Fidel cũng có những “uyên nguyên” với môn thể thao này. Trong bài báo có nhan đề: “Cái ngày mà tôi thi đấu chống lại Castro” xuất bản trên tờ Tạp chí Sport số ra năm 1964, Don Hoak – ngôi sao của giải bóng chày nhà nghề Mỹ ở thời điểm đó – đã kể lại: “Castro đã ném cho tôi một đường bóng xuất sắc, bóng bay cong và xé gió rất khó lường. Thực chất, đó là một pha bóng cong rất tốt. Đường bóng đó có độ bén nhọn rợn người và chỉ bay cách đầu tôi vài centimet”. Hoak đã miêu tả lại tình huống mà ông đối mặt với Fidel trong một trận bóng chày thuộc khuôn khổ các trường Đại học hồi năm 1951, khi đó, Fidel vẫn đang là một sinh viên luật nổi tiếng với tài năng chơi bóng chày.

Ở thời điểm đó, Fidel là một ngôi sao ném bóng được rất nhiều đội bóng chày chuyên nghiệp ở Mỹ theo đuổi và nếu như Fidel bị thu hút hoàn toàn vào thể thao,  lịch sử bóng chày Cuba đã có khác biệt rất nhiều…

Là một người ngăn cản bóng chày Cuba tiến lên chuyên nghiệp, vì theo quan điểm của ông, thể thao chuyên nghiệp có nghĩa là chủ nghĩa tư bản, nhưng Fidel lại góp phần khiến nền bóng chày nghiệp dư Cuba phát triển rực rỡ. Điều này khiến cho một thời gian dài, bóng chày Cuba luôn sở hữu những cầu thủ có đẳng cấp chuyên nghiệp nhưng thi đấu ở đấu trường nghiệp dư. Đó là lý do họ thắng HCV ở Olympic Barcelona 1992 khi bóng chày lần đầu tiên được công nhận là môn thể thao chính thức từ Olympic Seoul 1988. Từ đó cho đến nay, Cuba đã thắng 3/5 HCV Olympic, cho đến khi bóng chày lại bị loại ra ngoài cuộc chơi.

Ngoài Olympic, bóng chày Cuba còn tham gia các đấu trường nghiệp dư khác như là World Baseball Classic (thắng 25 HCV trong 29 lần tham dự), Pan American, giải VĐTG. Antonio "Tony" Gonzalez, một cầu thủ bóng chày nổi danh Cuba nhận xét: “Sự tác động của Fidel Castro là rất quan trọng, bóng chày Cuba dưới thời của ông là một giai đoạn hoàng kim”.

Hiện tại, bóng chày ở Cuba đang có những chuyển mình cụ thể theo hướng chuyên nghiệp, dưới sự lèo lái của con trai Fidel, ông Antonio Castro (Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng chày Cuba). Những VĐV chuyên nghiệp được mở đường quay trở về quê nhà, được thi đấu cho màu áo đội tuyển. Tất nhiên, bởi vì đây là một thời kỳ mới, với những con người mới và một câu chuyện mới!

 ° Lý do Fidel Castro thích mặc trang phục thể thao adidas là bởi kể từ năm 2012 cho đến nay, hãng thiết kế quần áo và trang thiết bị thể thao này trở thành đối tác chính thức của Ủy ban Olympic Cuba, là nhà cung cấp quần áo thi đấu cho các thành viên các đội tuyển Olympic của Cuba. Fidel mặc adidas, đơn giản vì ông cảm thấy tiện lợi và bản thân ông cũng thích những màu sắc, thiết kế thể thao sống động và tươi trẻ. Đại diện của adidas cho biết, họ không có hợp đồng tài trợ nào với Fidel, và họ cũng không thấy việc ông mặc đồ của họ là tích cực hay tiêu cực.

Những đóng góp vĩ đại ảnh 3

° Diego Maradona chia sẻ về sự ra đi của Fidel Castro một cách đầy xúc động trên Facebook: “Người bạn, người đồng chí, người luôn đưa ra những lời khuyên quý báu, người gọi cho tôi bất cứ lúc nào để tâm tình về chính trị, bóng đá, bóng chày… Với tôi, Fidel đã và sẽ luôn là một người bất diệt, người duy nhất, người vĩ đại nhất. Tim tôi nhói đau vì thế giới đã mất đi người sáng suốt nhất. Hãy yên nghỉ nhé, Fidel”.

Những đóng góp vĩ đại ảnh 4

H.D

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục