Nhìn lại một cuộc chia tay

Nhìn lại một cuộc chia tay

Chuyện Hòa Phát Hà Nội tuyên bố giải tán đội bóng, hay nói một cách văn hoa hơn là “chia tay với bóng đá” không có gì là mới mẽ, ghê gớm, nếu biết rằng trước đây đã có nhiều cái tên “sừng sỏ” hơn rất nhiều như Thể Công, Tổng cục Đường sắt, Công an Hà Nội v.v. ở phía Bắc, hay Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Sở Công Nghiệp v.v. ở trong Nam, từng nói lời chia tay không hẹn ngày trở lại với bóng đá. Trong khi Hòa Phát Hà Nội chỉ mới gia nhập làng bóng Việt Nam từ năm 2003 - qua việc sử dụng nguồn cầu thủ còn lại của LG.Hà Nội.ACB (sáp nhập giữa Hàng không Việt Nam và LG.ACB), cũng trải những thăng trầm, nhưng dấu ấn để lại thì không nhiều.

Niềm vui của các cầu thủ Hòa Phát HN trong trận cầu “6 điểm” với Đồng Tâm Long An ở vòng 25.Ảnh: Dũng Phương

Niềm vui của các cầu thủ Hòa Phát HN trong trận cầu “6 điểm” với Đồng Tâm Long An ở vòng 25.Ảnh: Dũng Phương

Thế nhưng, cuộc chia tay này lại có một số điều đáng đề cập. Khi nguyên nhân tài chính chỉ là một phần, mà theo lời những người lãnh đạo đội bóng thì việc bỏ bóng đá là do ức chế với cách điều hành giải đấu của VFF và mất lòng tin nơi lực lượng trọng tài. Một thống kê chưa đầy đủ của những người trong cuộc rằng hơn 75% số trận đấu của đội là bị trọng tài xử ép. Họ cho rằng có rất nhiều tình huống thẻ phạt, chủ yếu là thẻ đỏ nhắm thẳng vào họ. Ngay như HLV Nguyễn Thành Vinh còn chỉ thẳng “trọng tài là mafia”. Vị HLV này từng có thời chịu cay đắng khi phải ngồi sau song sắt trại giam, vì liên quan đến vụ hối lộ trọng tài khi còn dẫn dắt đội Ngân hàng Đông Á. Ông là người hiểu hơn ai hết, thấm thía nhất “mặt trái”, “mặt phải” của trọng tài. Ông còn nói thẳng với Trưởng ban tổ chức V-League Dương Nghiệp Khôi rằng tổ chức của ông này đã “qui hoạch” đội HPHN xuống hạng từ trước, nên dù có đá thế nào cũng bị ép, bị đạp xuống hạng.

Nói đi thì phải nói lại, ở một khía cạnh khác, HPHN đã có những trận thua thật sự về đẳng cấp, khả năng và việc không hoàn thành mục tiêu trụ hạng ở mùa giải này vẫn cần những người trong cuộc đánh giá một cách đầy đủ, chính xác, xác định các nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng dẫn đến việc Tập đoàn Hòa Phát từ bỏ bóng đá là do vấn đề tài chính. Với 320 tỷ đồng bỏ ra trong suốt 8 năm, mà lợi ích từ hình ảnh, thương hiệu, uy tín nhận lại từ bóng đá lại không nhiều, ngoại trừ việc nhận biết cái tên sản phẩm “Hòa Phát”. Nếu đem số tiền ấy làm quảng cáo, tiếp thị, truyền thông chuyên nghiệp thì vẫn lợi hơn nhiều, bớt đi những rắc rối, lo toan đủ điều và tính toán mệt mỏi. Với một thương vụ như thế thì việc rút lui chính là cách “bảo toàn lực lượng”, là đúng đắn dưới góc độ kinh doanh.

Nhiều người tin rằng, trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính, khi các doanh nghiệp đang cần rà soát lại các hình thức đầu tư, kinh doanh thì sẽ còn nhiều cuộc chia tay nữa với bóng đá. Có thể là những cuộc chia tay vĩnh viễn hoặc chuyển dịch sang loại đầu tư khác như tài trợ các giải đấu, các giải thưởng như Tập đoàn Tôn Hoa Sen đã làm.

MINH HÙNG

Tin cùng chuyên mục