1. Trên mạng đang loan truyền đoạn video về tình huống đá tiki - taka của đội tuyển Thái Lan trong trận lượt đi chung kết AFF Cup 2014 với Malaysia. Hơn 30 đường chuyền với sự tham gia của 5 cầu thủ và kết thúc bằng một pha tiếp cận cầu môn nhanh như chớp. Rất tiếc, bóng đi chệch khung thành, nếu không đã là một bàn thắng đẹp từ cách dàn dựng đến pha sút bóng.
Thật ra, ngoài tình huống mang tính tiêu biểu đó, Thái Lan còn rất nhiều pha phối hợp tương tự trong trận đấu mà về lý thuyết, họ chịu khá nhiều áp lực trước một Malaysia chơi khá rắn. Thế nhưng, đội bóng trẻ của Kiatisak vẫn thể hiện một trình độ hơn hẳn, một thứ bóng đá tiếp cận với những trường phái hiện đại mà vẫn phù hợp với thể trạng của con người Đông Nam Á.
Pha lập công chớp nhoáng của Kroekrit Thawikan vào lưới Malaysia ở trận chung kết lượt đi. Ảnh: T.L.
Xem cách người Thái vượt qua trận lượt đi với lợi thế 2 bàn và bản lĩnh trong lối chơi, có thể nói, việc vượt qua họ đã quá đỗi khó khăn, khoan nói chuyện đi đến đâu tại châu Á.
Để xây dựng đội bóng như hiện tại, Thái Lan mất khoảng 3 năm. Trên thực tế, họ chỉ có AFF Cup 2010 và SEA Games 2011 là thất bại. Sự trở lại của họ quá nhanh, bắt đầu từ việc vào chung kết AFF Cup 2012 đến chức vô địch SEA Games 2013 và bây giờ, có thể sẽ là ngôi số 1 tại AFF Cup. Họ có thất bại, nhưng cách trở lại của họ thì vừa nhanh, vừa ngoạn mục. Họ thay thế một thế hệ bằng một thế hệ khác có tiềm năng hơn chỉ trong một thời gian ngắn. Chẳng có phép thần kỳ nào ở đây cả, tất cả đều trên nền tảng có sẵn, được phát triển bằng cách làm hiện đại hơn.
2. Chiến thắng tại trận chung kết AFF Cup 2008 cho chúng ta thấy: Có thể ngang bằng với bóng đá Thái Lan. Thế nhưng, từ sau chiến tích đó đến nay, cái khoảng cách tưởng chừng được kéo gần, lại giãn ra với khoảng cách quá xa.
Xa không phải ở trình độ, mà ở thời gian. Mất 3 năm, người Thái từ chỗ “ngang” với Việt Nam, đã trở lại số 1. Trong khi đó, sau 6 năm, bóng đá Việt Nam mới bắt - đầu - làm - lại với một đội bóng trẻ U19, nghĩa là cần thêm 4-5 năm nữa mới hy vọng tiếp cận với bóng đá Thái.
Đấy là chúng tôi chỉ dùng từ “hy vọng”, chứ chẳng ai biết chắc chắn điều gì cả. Lứa U19 đang được xem là tốt nhất hiện nay, nhưng nếu so với cách Thái Lan chơi tiki-taka trong trận chung kết, thật lòng cảm thấy lo nhiều hơn hy vọng. Thái Lan vừa biết đá đẹp, vừa đủ độ quái để gài người kiếm quả phạt đền mở tỷ số, vừa biết nhấc chân chờ bóng lăn tới để sút bóng kỹ thuật ghi bàn ấn định chiến thắng 2-0. Sự đẹp mắt kết hợp với tính hiện đại và tiểu xảo trong thi đấu để khẳng định đẳng cấp. Trong khi với bóng đá Việt Nam, tham vọng chỉ mới giới hạn ở mức “đẹp mắt rồi thua cũng được”. Cách tiếp cận ấy cho thấy khoảng cách xa đến chừng nào.
Trông đợi ở U19 Việt Nam là điều đúng. Nhưng đánh cược toàn bộ niềm tin vào lứa cầu thủ ấy là quá rủi ro. Một nhóm cầu thủ không tạo nên một đội tuyển mạnh, kỹ thuật chơi bóng không phải là chất liệu để xây dựng lối chơi hiện đại, sự đẹp mắt trong lối đá không làm ra kinh nghiệm và đẳng cấp. Không cần phải đợi đến 4-5 năm nữa mới biết kết quả, cứ nhìn người Thái mà suy ngẫm cho nhanh…
Hồ Việt