Thể thao Việt Nam dự Olympic trẻ lần thứ 2 tại Trung Quốc với 13 VĐV được cho là ưu tú nhất. Và như thế, chúng ta cứ ngỡ là nhiều so với khu vực Đông Nam Á, song cẩn trọng đánh giá lại mới thấy nguồn nhân lực trẻ và tài năng của thể thao Việt Nam không thể đông đảo bằng các nền thể thao được xếp diện hàng đầu khu vực như Thái Lan (37 VĐV), Singapore (18 VĐV), Indonesia (27 VĐV) và Malaysia (20 VĐV).
Khi sân chơi Olympic trẻ chưa được đưa vào thi đấu (năm 2012 mới diễn ra lần đầu) thì sự thịnh vượng của nguồn nhân lực trẻ được các quốc gia tính ở những giải khu vực, châu Á hoặc thế giới. Đấy là nơi đánh giá hiệu quả của cả quá trình xây dựng hệ thống đào tạo VĐV trẻ giữa các quốc gia trong vùng Đông Nam Á - vốn luôn bị xem là “vùng trũng” của thể thao thế giới. Thái Lan vẫn rất mạnh ở các môn cử tạ, điền kinh, quyền Anh, quần vợt, cầu lông, taekwondo. Indonesia và Malaysia chia nhau “cát cứ” ở vài môn mũi nhọn như cầu lông, bơi lội, xe đạp, bắn cung, judo... Thậm chí dù được tính nằm chung nhóm với Việt Nam, nhưng Singapore vẫn tỏ ra nhỉnh hơn ở môn bơi lội, bóng bàn, cầu lông.
Hơn 20 năm trước, khi mới hội nhập trở lại với thể thao khu vực, Việt Nam tiến những bước vững chắc và dần tìm được cho mình một chỗ đứng xứng đáng, nhưng luôn luôn về đích sau Thái Lan, bất kể tại SEA Games, Asian Games hay may mắn được góp mặt ở Olympic. Thành ra, Thái Lan là nền thể thao đáng để học hỏi và từ lâu đã trở thành động lực cho thể thao Việt Nam vươn lên, mong một ngày nào đó sẽ ngự trị trên đỉnh khu vực.
Ở cấp độ đội tuyển quốc gia hay đội tuyển trẻ, ở nhiều môn, Việt Nam luôn có những gương mặt xuất sắc, sẵn sàng bước vào cuộc đua tranh thành tích với VĐV Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore. Song, con số ấy không nhiều và chưa dồi dào đến độ được đưa đi tu nghiệp ở những nền thể thao tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Đức, Anh, Pháp... giống cái cách mà Thái Lan, Singapore lâu nay vẫn làm. Lộ trình phát triển của họ khá lớp lang và được tính toán kỹ, đầu tư đến nơi đến chốn, chứ không dàn trải, thiếu trọng tâm và để lộ ra quá nhiều khiếm khuyết như cách mà thể thao Việt Nam lâu nay theo đuổi.
Thái Lan có thể ganh tị với Việt Nam vì hiện thời đang sở hữu nữ kình ngư trẻ xuất chúng Nguyễn Thị Ánh Viên, song họ lại tự hào vì đã đưa đến Olympic trẻ lần 2 tay vợt đang giữ HCĐ đơn nữ trẻ thế giới Busanan Ongbumrungpan (môn cầu lông), những VĐV điền kinh, TDDC, bắn súng, bóng rổ, bóng bàn, cử tạ... giàu triển vọng khác. Trong nhóm môn trọng điểm của Olympic (bơi lội, điền kinh, bắn súng, cử tạ, bóng bàn), người Thái đã trội hơn chúng ta.
Thậm chí, ngay đến các quốc gia xưa nay vẫn bị xem là lép vế hẳn như Myanmar, Brunei, Campuchia, Lào, Đông Timor cũng có VĐV góp mặt tại cuộc tranh tài sẽ khai diễn vào hôm nay (17-8) ở Trung Quốc. Họ cũng tự hào với thành quả của mình dù ít ỏi và đấy mới chính là động lực để thúc đẩy các nền thể thao của Đông Nam Á phát triển mạnh mẽ hơn.
Hơi nóng của những quốc gia bị đánh giá kém hơn đã phả sau gáy thể thao Việt Nam. Nếu những cuộc đầu tư cho Ánh Viên, Trần Duy Khôi (bơi lội), Thạch Kim Tuấn, Nguyễn Trần Anh Tuấn (cử tạ), Phạm Cao Cường (cầu lông), Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh, Trần Huệ Hoa (điền kinh).... lại thiếu chiều sâu thì có thể đến kỳ Olympic trẻ lần 3, thể thao Việt Nam sẽ đi chậm lại để nhường bước cho Myanmar hay Lào vượt lên...
LÊ HÙNG