1. Ông Odonera Hiroshi, Chủ tịch của CLB bóng đá Yokohama FC, nơi vừa ký hợp đồng với tiền vệ Tuấn Anh của Việt Nam để đưa cầu thủ này sang J-League 2 thi đấu, đã nhắc đi nhắc lại rằng ngoài yếu tố chuyên môn, cá nhân ông rất yêu quý con người Việt Nam.
Tình cảm của ông Odonera có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến chỉ trong một thời gian ngắn, sự hiện diện của bóng đá Nhật Bản tại Việt Nam dày đặc và đa dạng đến bất ngờ. Ở cấp độ đội tuyển, nhà tài trợ Honda và HLV trưởng Miura là người Nhật. Ở cấp độ V-League, ngoài sự hợp tác chiến lược giữa 2 ban tổ chức thì hãng xe hơi Toyota vừa gia hạn hợp đồng cùng với 30% giá trị tài trợ tăng thêm. Ngay bóng đá phong trào, sự có mặt của CLB hạng 5 của bóng đá Nhật là Amitie tại TPHCM từ 3 năm qua với chương trình dạy bóng đá từ lứa tuổi mầm non. Có thể nói bóng đá Nhật đang từng bước len sâu vào đời sống bóng đá Việt.
2. Ngoài mối quan hệ bang giao của hai quốc gia, các nguyên nhân đến từ hoạt động thương mại, liệu bóng đá Việt Nam có gì hấp dẫn để người Nhật tập cập đầu tư trên mọi phương diện? Theo ông Kitaguchi, người một mình sang Việt Nam 4 năm để gầy dựng CLB Amitie thì trong bóng đá, những người Nhật Bản như ông tìm thấy rất nhiều điểm chung như hình thể, khả năng lao động và sự nhạy bén trong học hỏi. Hơn nữa, giải J-League đang có chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng lên khắp châu Á và những nước có tiềm năng như Việt Nam là điểm đến lý tưởng.
Tuy nhiên, nhiều người đã nói đến một làn sóng J-League theo kiểu K-Pop ở lĩnh vực giải trí nghe - nhìn. Nói cách khác, không phải âm nhạc, điện ảnh mà chính bóng đá sẽ là công cụ để người Nhật tiếp cận và truyền bá văn hóa đến Việt Nam. Dù chỉ mới ở giai đoạn đầu của giai đoạn này nhưng sự tham gia của người Nhật ở nhiều khía cạnh đang khiến cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam thấy được cảm giác “ăn - ngủ” cùng bóng đá Nhật Bản.
Phía sau của làn sóng này có hẳn một chiến lược hẳn hoi do một trong những tập đoàn quảng cáo - tiếp thị hàng đầu thế của của Nhật Bản thực hiện. Hình ảnh của bóng đá Việt Nam đã xuất hiện trên một số kênh truyền hình thể thao tại đất nước Mặt trời mọc. Sang năm 2016, một đài truyền hình trả tiền của Nhật Bản sẽ chính thức phát sóng J-League hàng tuần tại Việt Nam, Hình ảnh của Tuấn Anh, Công Phượng tại J-League 2 cũng sẽ được phục vụ cho người hâm mộ chứ không hiếm như thời Công Vinh còn đá tại đây 3 năm trước. Chính chủ tịch của CLB Mito, nơi tiền đạo Công Phượng sẽ thi đấu, đã dự báo lượng khán giả trung bình mùa tới của đợi bóng có thể tăng thêm 1.000 người, chủ yếu là cộng đồng người Việt sang học tập và làm việc tại tỉnh Ibaraki, nằm cách Tokyo chỉ 100km đồng thời thúc đẩy thị trường du lịch tại địa phương có nhiều cảnh đẹp và truyền thống văn hóa lâu đời này.
Ngược lại, có ít nhất 10 cơ quan truyền thông của Nhật Bản đăng ký đưa tin về V-League. Sau những bản hợp đồng thành công của Công Phượng, Tuấn Anh, hiện có đến 4 cầu thủ khác của đội tuyển U.23 đang được các đội bóng của Nhật Bản liên hệ.
Rõ ràng, cái bắt tay với bóng đá Nhật đem lại nhiều lợi ích cho bóng đá Việt. Điều quan trọng là những nhà quản lý tại VFF có nắm bắt được cơ hội này hay không?
ĐĂNG LINH