Nguội lạnh 1 vùng đất

HỒ VIỆT

1. Để giải thích cho sự sa sút của bóng đá Đồng bằng Sông Cửu Long thì có hàng chục lý do. Tuy nhiên, lý do nào thì cũng không thể khỏa lấp được một sự thật: Bóng đá Miền Tây đang “chết”, một cái “chết” từ từ và đau đớn. Tệ hơn, nó diễn ra trên mọi phương diện mà nguy hiểm nhất đó là sự nguội lạnh từ khán đài.

Chúng tôi còn nhớ cái ngày mà Đồng Tháp giành quyền thăng hạng gần nhất: Chưa bao giờ 1 trận đấu ở Giải hạng Nhất mà có hơn 1 vạn người đến sân. Trong mùa bóng 2014 đó, vẫn có trung bình hơn 3.000 khán giả xem Đồng Tháp đá ở Giải hạng Nhất, một con số phản ánh đúng bản chất của làng cầu này: Sức mạnh chính nằm ở tình yêu bóng đá của người hâm mộ.

Vậy mà hồi đầu lượt về, trận “derby sông Hậu” giữa Cần Thơ – Đồng Tháp chỉ hơn 3.000 khán giả đến sân. Thời điểm đó, Đồng Tháp vẫn còn le lói chút cơ hội trụ hạng trong khi đối thủ của họ, Cần Thơ ngày xưa chỉ được dân ghiền bóng đá phía bắc Phà Vàm Cống nhìn bằng nửa con mắt do chỉ quen đá hạng Nhất. Một trận đấu có quá nhiều ý nghĩa như vậy mà còn không kéo nổi khán giả Cao Lãnh đến sân thì phải hiểu rằng sự mất mát lớn đến thế nào.

Từ Tân An đến Cao Lãnh, sang Cần Thơ giờ hoang vắng trên những khán đài. Điều đó quả là một nỗi tủi hổ hắt vào lịch sử của một vùng đất từng có đến 7/13 tỉnh đá ở giải đấu cao nhất và từng có 2 chức vô địch quốc gia. 

Người hâm mộ Đồng Tháp đang dần rời xa đội bóng.  Ảnh: Dương Thu

2. Sự nguy hiểm nằm ở chỗ đó. Không có khán giả, bóng đá đồng bằng trở thành “vùng đất chết”, không còn cơ hội gượng dậy.

Vì sao? Vì ở những nơi khác, kiểu như Hà Nội hay TPHCM dù không có khán giả nhưng vẫn còn có tiền, đằng này miền Tây vốn dĩ đã không có tiền, nay chẳng còn thứ duy nhất giúp làng cầu này bám víu vào tương lai.

Hãy xem Cần Thơ. Nếu mùa đầu thi đấu kém quá chẳng nói làm gì, mùa này đá nhiều trận rất hay, thắng được các đội hàng đầu, trụ hạng từ đầu lượt về nhưng lượng khán giả lại không tăng. Đây là điều rất bất ngờ bởi mấy chục năm làm bóng đá, Cần Thơ mới có cơ hội đá hạng cao nhất nhưng xem ra, điều đó không cải thiện được gì. Với cái đà như vậy, làm sao thu hút nhà tài trợ?

Có lẽ những người làm bóng đá miền Tây phải ngồi lại với nhau bàn chuyện giữ lại “chất” cho làng cầu này. Ví dụ như những giải bóng đá khu vực cần được tổ chức thường xuyên để tăng thêm thời lượng thi đấu cho các CLB. Ví dụ như cần một sự hợp tác về đào tạo cầu thủ, một học viện bóng đá kiểu như HA.GL để tìm nguồn. Lợi thế của bóng đá Miền Tây đó là sự gần gũi về mặt địa lý cũng như tính cách người dân, rất dễ để tập trung nguồn lực trong đầu tư.

Bao lâu nay, bóng đá Miền Tây cứ như những ngọn lúa ma trên Đồng Tháp Mười, mọc tự nhiên rồi cũng “ra đi” im ắng. Bóng đá bây giờ đâu còn đơn giản như vậy nữa.


HỒ VIỆT
 

Tin cùng chuyên mục