Người hâm mộ thật dễ tính

Việc ngày thi đấu đầu tiên của giải U19 quốc tế bị “cháy vé”, có thể thấy là người hâm mộ Việt Nam yêu bóng đá đến cỡ nào. Thông thường, tình trạng “cháy vé” chỉ xảy ra ở trận đấu cuối, rơi vào khả năng tranh chấp danh hiệu của đội tuyển. Đằng này, biết các đối thủ của U19 rất mạnh nhưng người hâm mộ vẫn muốn đến sân. Không nói ai cũng biết, chính lối chơi đẹp mắt và nặng tính cống hiến của U19 đã thuyết phục họ.

Trận đấu quyết định chức vô địch mùa giải 2012 giữa XMXT SG và Hà Nội T&T đã khiến sân Thống Nhất chật kín khán giả. Ảnh: Hoàng Hùng

Trận đấu quyết định chức vô địch mùa giải 2012 giữa XMXT SG và Hà Nội T&T đã khiến sân Thống Nhất chật kín khán giả. Ảnh: Hoàng Hùng

Những CĐV trung thành của các CLB cũng vậy. Họ yêu đội bóng của mình đâu phải vì những chiến thắng mà quan trọng nhất là chờ đợi cầu thủ đá bóng vì họ. Họ có thể không am hiểu bóng đá, không biết rõ đâu là tấn công, đâu là phòng thủ - phản công, nhưng họ chắc chắn biết khi nào CLB đá vì họ. Cũng như với U19, sẽ khó có một kết quả bất ngờ nào khi đối đầu với các đối thủ quá mạnh nhưng chắc chắn là U19 sẽ chơi hết mình, chơi cống hiến và không hề toan tính theo kiểu các CLB Việt Nam vẫn làm.

Thực tế là sân cỏ V-League không hề thiếu khán giả. Một đội bóng “không nơi nương tựa” như Sài Gòn Xuân Thành mà mỗi mùa cũng có vài trận làm khán giả đến nghẹt cầu trường Thống Nhất. Người hâm mộ không hề quay lưng với bóng đá nội địa, chỉ có điều chẳng có nhiều lý do để họ thường xuyên đến các sân bóng, đừng nói là họ luôn ở trong tình trạng phải xem đánh võ hoặc diễn trò.

Đây là điều phải suy nghĩ. Thuyết phục người hâm mộ đâu có khó, vấn đề là chẳng ai cố gắng để làm điều đó, kể cả các cấp quản lý, điều hành.

Việt Long

Tin cùng chuyên mục