Ngôi sao không tỏa sáng?

Nếu để ý kỹ sẽ thấy mỗi khi nhận được hợp đồng chuyển nhượng kỷ lục nào thì các ngôi sao bóng đá Việt Nam lại không thể tỏa sáng về phong độ khiến dư luận đồn thổi về các giá trị ảo của các hợp đồng bom tấn.Càng nhiều tiền, càng mờ nhạt
Ngôi sao không tỏa sáng?

Nếu để ý kỹ sẽ thấy mỗi khi nhận được hợp đồng chuyển nhượng kỷ lục nào thì các ngôi sao bóng đá Việt Nam lại không thể tỏa sáng về phong độ khiến dư luận đồn thổi về các giá trị ảo của các hợp đồng bom tấn.

Càng nhiều tiền, càng mờ nhạt

Cầu thủ Việt Nam đầu tiên có giá chuyển nhượng 1 tỷ là Trần Trường Giang, từ Tiền Giang về Bình Dương và ở mùa bóng đầu tiên năm 2003, anh chơi rất mờ nhạt. Phải đến 2 năm sau, anh mới thực sự là linh hồn của Bình Dương.

Nối tiếp Trường Giang nhưng phải đến năm 2005, cầu thủ Nam Định Trung Kiên về TMN.CSG với giá 1,2 tỷ và cũng từ đó, anh đi luôn vào im lặng. Sau sự kiện Trung Kiên, bóng đá Việt Nam bắt đầu quen với những hợp đồng tính bằng vài tỷ nhưng kết cục của các đội bóng nhận được thường không như kỳ vọng.

Việt Thắng và Công Vinh đều là những cầu thủ giữ kỷ lục trên thị trường chuyển nhượng nhưng vẫn chưa tỏa sáng như kỳ vọng tại Ninh Bình và Hà Nội T&T. Ảnh: D.P.

Việt Thắng và Công Vinh đều là những cầu thủ giữ kỷ lục trên thị trường chuyển nhượng nhưng vẫn chưa tỏa sáng như kỳ vọng tại Ninh Bình và Hà Nội T&T. Ảnh: D.P.

Tiêu biểu như Ninh Bình mua Hữu Thắng của Bình Dương gần 4 tỷ đồng ở mùa 2008 nhưng chưa đá trận nào thì phải chịu mất một phần tiền để trả lại cho Bình Dương vì Hữu Thắng bị chấn thương.

Lê Công Vinh là người đang giữ kỷ lục về chuyển nhượng nhưng mùa rồi, Công Vinh không tỏa sáng trong màu áo T&T.

Phan Thanh Bình nổi tiếng là vậy, được HA.GL chèo kéo từ Đồng Tháp nhưng anh là sự thất vọng lớn của mùa giải 2009 và bị bán lại cho ĐT.LA. Có thể kể thêm một loạt cầu thủ nổi tiếng của bóng đá Nghệ An được săn đón với các hợp đồng thấp nhất cũng 3 tỷ đồng nhưng đa số đều thất bại trong màu áo mới, đến mức “mất” luôn tên tuổi.

Ngược lại, những cầu thủ chưa nâng giá trên thị trường lại chơi rất tốt, ổn định. Điển hình như Nguyễn Minh Phương, cò kè mãi thì GĐT.LA mới mua được anh từ Cảng Sài Gòn hồi năm 2002 với giá 399 triệu đồng. Từ đó đến nay, Minh Phương “xứng đáng đến từng xu”.

Rồi như bộ đôi Quang Hải – Tấn Tài ở Khánh Hòa, Vũ Phong, Quang Thanh tại Bình Dương, Nguyễn Minh Châu tại Hải Phòng hay dàn cầu thủ gốc Đà Nẵng cũng chứng minh giá trị của cầu thủ không phải nằm ở rất nhiều tiền mà là trên sân cỏ.

Vì sao?

Giá trị trên thị trường chuyển nhượng tại Việt Nam không đúng thực chất là nguyên nhân đầu tiên nhưng chính cầu thủ mới là yếu tố quan trọng nhất. Với việc được mua bằng giá cao, ngay sau khi được chuyển nhượng, rất nhiều cầu thủ bỗng “đổi tính, đổi nết”. Họ nhanh chóng trở thành “sao” và sống như “sao”, xao nhãng việc luyện tập.

Hơn nữa, khi đã thành “sao”, họ không vượt qua được sức ép dư luận, nhất là ở mùa giải đầu tiên tại đội bóng mới. Càng cố gắng thi đấu, càng trở nên mờ nhạt. Những câu chuyện “đi vào bóng đêm” của Nguyễn Trung Kiên, Trịnh Xuân Thành… là ví dụ rõ nhất cho hiện tượng “đi ngược” này.

Cuối cùng, khổ thân các CLB. Họ đẩy giá trị cầu thủ lên vô tội vạ nhưng phải mất 1-2 mùa bóng bản hợp đồng mới phát huy tác dụng trong khi chỉ sử dụng chừng 1-2 năm lại phải nơm nớp lo sợ bị các CLB khác hẫng tay trên vì một mức giá khổng lồ khác. Lúc đó, không bán thì không được vì phải cứu cái khoản đã đầu tư ban đầu cho cầu thủ đó. 

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục