Nghiêm trị

Án phạt mà Tòa án Nhân dân Hà Nội vừa tuyên đối với 8 CĐV Hải Phòng tham gia vào vụ ẩu đả trên sân Hàng Đẫy hồi tháng 6 năm ngoái thực ra vẫn còn khá nhẹ. Thế nhưng, dù sao có vẫn còn hơn là không làm gì, để mặc tình trạng bạo lực sân cỏ ngày càng phổ biến ở Việt Nam.

Hình ảnh đốt pháo sáng trên các khán đài sân Ninh Bình, CĐV ẩu đả ở Nghệ An, ném bất cứ vật gì có trong tay xuống sân để phản ứng trọng tài và cầu thủ ở sân Quân khu 7… đã trở nên quen thuộc. Dù không hề muốn, nhưng những khán giả thích đến sân thưởng thức bóng đá đẹp buộc phải sống chung với sự bạo lực tiềm ẩn và bùng phát bất cứ lúc nào. Đôi khi, những người rất thích xem bóng đã ngại đến sân vì sợ dính vào rắc rối hoặc bị hành hung oan uổng. Chính vì vậy, Bộ Công an và VFF mới cùng bắt tay hợp tác với nỗ lực làm trong sạch môi trường bóng đá Việt Nam, để giảm thiểu tối đa những nguy cơ làm loạn của CĐV, cầu thủ trong các trận đấu.

Có lẽ, sau án phạt dành cho 8 CĐV gây rối của Hải Phòng, tình trạng hooligan trong bóng đá Việt Nam sẽ thuyên giảm đi, nhưng để triệt tiêu hẳn điều này chẳng dễ dàng gì, cần có thời gian và tâm sức bỏ ra nhiều hơn nữa. Hơn thế, đối tượng gây rối đôi khi chưa hẳn là lực lượng CĐV, mà xuất phát từ công tác trọng tài điều hành các trận đấu yếu kém, bản thân nhiều cầu thủ cố tình khiêu khích khán giả, BTC sân địa phương quá cứng nhắc trong giải pháp tổ chức… Thành ra, bên cạnh nỗ lực triệt tiêu nạn bạo lực sân cỏ, VFF cũng cần có những giải pháp khác, tự giải quyết những tồn tại, đặc biệt là về chất lượng đội ngũ trọng tài, giáo dục tư tưởng đến từng CLB thành viên của VFF và từng hội CĐV khắp các miền Bắc, Trung và Nam.

Nghiêm trị đối với những hành động gây rối trật tự công cộng, làm loạn sân cỏ của “cầu thủ thứ 12” - tức khán giả - đương nhiên sẽ nhận được sự đồng thuận của dư luận, của giới truyền thông. Môi trường bóng đá trong sạch và chuyên nghiệp chắc chắn sẽ khởi đi từ những việc làm nghiêm khắc như thế.

Lê Quang

Tin cùng chuyên mục