Nghề HLV ở Việt Nam - Phận làm thuê!

Một người từng được coi là “tứ trụ” của giới HLV Việt Nam như ông Nguyễn Thành Vinh mà phải thốt lên “tôi không đủ tầm” sau khi cay đắng từ chức, rời khỏi CLB Hà Nội. Vị HLV vẫn thường được gọi là Vinh “Nghệ” từng 2 lần đưa SLNA vô địch, là HLV nội được sánh ngang với các HLV ngoại như Alfred Riedl, Calisto…

Nguyên nhân việc ông Vinh rời CLB Hà Nội đơn giản là không được lòng cầu thủ. Cầm trong tay một đội có những ngôi sao như Thành Lương, Công Vinh, Tymothy… nhưng thành tích của ông Vinh chỉ là 5 trận thắng, thua đến 7 trận. Dù là đội đứng hàng đầu với số bàn thắng nhưng lại thủng lưới nhiều nhất V-League với 30 bàn với những trận thua “không hiểu nổi” như 2 trận trước tân binh Kiên Giang. Về mặt chuyên môn, ông Vinh không để lại dấu ấn nào về chiến thuật mặc dù về lý thuyết, ông đủ người để “bày binh, bố trận” tranh chức vô địch mùa này.

Ông Vinh là người thứ tư rời ghế HLV trong mùa bóng V-League 2012, trước đó có ông Đặng Trần Chỉnh của Bình Dương. Đây là lần thứ ba ông Chỉnh phải “mất việc” bất chấp sự thật là không ai có thể làm tốt hơn ông ở Bình Dương bởi ông là người thuộc biên chế đội bóng này 5-6 năm qua. Lãnh đạo đội Bình Dương buộc phải thay ông Chỉnh bởi một HLV đến từ Hàn Quốc chỉ sau 3 trận thua liên tiếp để rồi sau đó, lại thua tiếp 2 trận nữa. HLV người Hàn Quốc cũng phải thốt lên “có nhiều thứ quá khó hiểu ở đội bóng này”.

Còn tại đội hạng nhất Bình Định, đến nay đã 2 lần thay toàn bộ ban huấn luyện nhưng thành tích chẳng khá hơn, hiện không còn cơ hội thăng hạng.

Ngược lại, dù cầm quân ở đội bóng “nhà nghèo”, cầu thủ là dân tứ xứ nhưng HLV người Đồng Tháp Lại Hồng Vân lại thành công với Kiên Giang. Ông giải thích khá đơn giản: “Cầu thủ thương mình, đá vì mình nên có thành tích”. Tất nhiên, chuyện chẳng đơn giản đến vậy nhưng qua đó cũng phản ảnh rằng để làm HLV thành công tại Việt Nam, không được lòng cầu thủ thì… tiêu.

Và cũng từ lý do này mà công cuộc tìm kiếm HLV nội cho đội tuyển quốc gia đang đi vào ngõ cụt. 3 ứng viên sáng giá được VFF chọn để đàm phán là Lê Huỳnh Đức, Phan Thanh Hùng, Nguyễn Hữu Thắng đều chỉ lên tuyển nếu được phép kiêm nhiệm công việc ở CLB. Các HLV có tên tuổi khác như Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung hay Đặng Trần Chỉnh đều lắc đầu mặc dù mức lương VFF sẵn sàng trả cao hơn 4-5 lần so với lương tại CLB.

Không nói ra nhưng có thể thấy các HLV đều đánh giá công việc tại ĐTQG quá nhiều rủi ro, cầm chắc thất bại khi quyền hành thì ít mà áp lực thì cao. Làm việc trong bối cảnh đó, nếu không được lòng cầu thủ thì chỉ có thất bại. Mà ai cũng biết, tình trạng năm phe, bảy phái ở ĐTQG còn phức tạp hơn CLB nhiều. Đây cũng chính là nguyên nhân suốt hơn 15 năm qua, VFF luôn phải chọn chuyên gia ngoại để cầm quân.

Thực tế các HLV sáng giá như Huỳnh Đức, Hữu Thắng hay Phan Thanh Hùng đều thành công nhờ các ông chủ tại CLB giao trọn quyền hành, đặc biệt nhân sự, nói cầu thủ phải nghe. Đây cũng là công thức chiến thắng được đúc kết từ thành công của ông Calisto và Gạch Đồng Tâm – Long An trước đây mà ở đó, HLV cũng là nhà quản lý cao nhất. 

ĐĂNG LINH

Tin cùng chuyên mục